Thay đổi mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH năm 2023; danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 02/2023 (từ ngày 10 – 20/02/2023).
1. Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH năm 2023
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Theo đó, công thức tính tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH năm 2023 được áp dụng như sau:
- Trước năm 1995: 5,26 (So với mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH năm 2022 tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH, tăng 0,16)
- Năm 1995: 4,46 (Tăng 0,13)
- Năm 1996: 4,22 (Tăng 0,13)
- Năm 1997: 4,09 (Tăng 0,13)
- Năm 1998: 3,80 (Tăng 0,12)
- Năm 1999: 3,64 (Tăng 0,11)
- Năm 2000: 3,70 (Tăng 0,12)
- Năm 2001:...
Xem thêm các năm tiếp theo tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH.
Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2023, các quy định tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH hết hiệu lực từ ngày 20/02/2023.
2. Trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 13/2022/TT-BNV ngày 31/12/2022 hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức.
Theo đó, trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức thực hiện như sau:
- Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2022/TT-BNV và căn cứ danh mục vị trí việc làm và số lượng biên chế công chức bố trí theo từng vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức mình để xác định:
Tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch công chức theo từng chuyên ngành tại cơ quan, tổ chức, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phê duyệt cơ cấu ngạch công chức phù hợp với mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động của cơ quan sử dụng công chức.
- Bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tham mưu, giúp người đứng đầu thực hiện việc xác định số lượng ngạch công chức và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Xem thêm Thông tư 13/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
3. Danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính
Đây là nội dung tại Thông tư 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính như sau:
- Danh mục vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-BNV.
- Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung quy định tại Phụ lục II, gồm:
+ Thanh tra;
+ Hợp tác quốc tế;
+ Pháp chế (đối với vị trí việc làm phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được sử dụng chung với các vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp);
+ Tổ chức cán bộ (tổ chức bộ máy và quản lý nguồn nhân lực), thi đua khen thưởng, cải cách hành chính;
+ Văn phòng;
+ Kế hoạch, tài chính.
Các quy định về danh mục vị trí việc làm tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư 12/2022/TT-BNV được sử dụng chung với các vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực thanh tra, nội vụ.
- Danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ quy định tại Phụ lục III.
Xem chi tiết tại Thông tư 12/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
4. Các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài với công dân Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.
Theo đó, các trường mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài với công dân Việt Nam gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP:
+ Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
+ Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
+ Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
+ Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
- Việc mua, chuyển, mang ngoại tệ do người cư trú là công dân Việt Nam thực hiện hoặc người đại diện hợp pháp của công dân Việt Nam thực hiện hoặc thân nhân của công dân Việt Nam đang học tập, chữa bệnh ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 20/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023, thay thế Thông tư 20/2011/TT-NHNN.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |