Sau đây là các chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 05/2022 (từ ngày 11/05 - 20/5/2022):
1. Tăng 7,4% mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ
Thông tư 22/2022/TT-BQP quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
Theo đó, tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với đối tượng theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 01/2022 = Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 12/2021 x 1,074
Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp tăng thêm trên được áp dụng từ ngày 01/01/2022.
2. Bổ sung quy định về hợp đồng liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp
Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp đã bổ sung quy định về hợp đồng liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, hợp đồng liên kết đào tạo quy định cụ thể về các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo. Nội dung hợp đồng liên kết đào tạo bao gồm những nội dung chính sau:
- Tên ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc nội dung đào tạo; thời gian, địa điểm đào tạo, quy mô và hình thức liên kết đào tạo.
- Chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo.
- Kế hoạch và tiến độ đào tạo. Trường hợp đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là doanh nghiệp cần ghi rõ địa điểm, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo tại đơn vị chủ trì liên kết đào tạo.
- Nhà giáo tham gia giảng dạy, hướng dẫn; chế độ hoặc tiền lương cho nhà giáo và người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập (nếu có).
- Thời hạn thực hiện của hợp đồng liên kết đào tạo.
- Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo.
- Tài chính thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo.
- Các nội dung khác có liên quan.
Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và thay thế Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017.
3. Các đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn từ 19/5/2022
Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2022.
Theo đó, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
(Hiện hành, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật)
4. Chế độ quản lý tài chính theo hình thức viện trợ bằng tiền hỗ trợ NSNN
Đây là nội dung tại Thông tư 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022 hướng dẫn quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, chế độ quản lý tài chính theo hình thức viện trợ bằng tiền hỗ trợ NSNN được quy định như sau:
- Việc giải ngân và thanh toán vốn viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách:
+ Căn cứ hiệp định, thỏa thuận viện trợ, Bộ Tài chính phối hợp với bên tài trợ giải ngân vốn viện trợ về ngân sách nhà nước, chuyển ngoại tệ về Quỹ ngoại tệ tập trung của NSNN.
+ Đối với khoản viện trợ hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, sau khi vốn viện trợ được giải ngân về NSNN, căn cứ dự toán thu, chi NSNN được phê duyệt thể thực hiện rút dự toán từ Kho bạc Nhà nước theo quy định.
- Hạch toán ngân sách nhà nước đối với khoản viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách nhà nước:
+ Hạch toán thu NSNN: Căn cứ vào chứng từ chuyển tiền của bên tài trợ và thông báo của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam.
(Hiện hành theo Thông tư 225/2010/TT-BTC , căn cứ vào chứng từ chuyển tiền, KBNN thực hiện hạch toán thu NSNN theo quy định (trường hợp chuyển tiền bằng ngoại tệ được hạch toán theo quy định đối với các khoản thu NSNN bằng ngoại tệ)).
+ Hạch toán chi NSNN: Việc chi và hạch toán chi ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Thông tư 23/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và thay thế Thông tư 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007, Thông tư 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |