Tôi muốn biết công chức quản lý thị trường là ai? Tiêu chuẩn của công chức quản lý thị trường được quy định như thế nào? - Văn Minh (Bình Phước)
- Hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường
- Những việc công chức quản lý thị trường không được làm
- Quy định về chế độ tập sự của công chức
Tiêu chuẩn của công chức quản lý thị trường (Hình từ Internet)
1. Công chức quản lý thị trường là ai?
Theo khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016, công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường.
Cụ thể, các ngạch công chức Quản lý thị trường bao gồm:
- Kiểm soát viên cao cấp thị trường;
- Kiểm soát viên chính thị trường;
- Kiểm soát viên thị trường;
- Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
(Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016)
2. Tiêu chuẩn của công chức quản lý thị trường
2.1. Tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của công chức quản lý thị trường
Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BCT, tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của công chức quản lý thị trường được quy định như sau:
- Có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trung thành với Tổ quốc và tuân thủ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên, gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của Cơ quan.
- Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân.
- Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức công vụ và trình độ, năng lực.
2.2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của công chức quản lý thị trường
* Kiểm soát viên cao cấp thị trường
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;
- Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương.
(Khoản 4 Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BCT)
* Kiểm soát viên chính thị trường
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương.
(Khoản 4 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BCT)
* Kiểm soát viên thị trường
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương.
(Khoản 4 Điều 7 Thông tư 02/2022/TT-BCT)
* Kiểm soát viên trung cấp thị trường: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.
(Khoản 4 Điều 8 Thông tư 02/2022/TT-BCT)
3. Những việc công chức Quản lý thị trường không được thực hiện
Công chức quản lý thị trường không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
- Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.
- Những việc công chức không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
(Điều 11 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016)
Thanh Rin
- Key word:
- công chức Quản lý thị trường