Bất chấp những tác hại mà những tạp chất này gây ra, những người buôn bán tôm luôn tìm cách bơm tạp chất tăng trọng vào tôm để tôm trông bắt mắt hơn. Vậy hành vi bơm tạp chất vào tôm bị xử lý như thế nào?
Phạt nặng hành vi bơm tạp chất vào tôm (Ảnh minh họa)
Cá nhân, tổ chức có hành vi bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP hoặc thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
1. Phạt hành chính:
- Theo các khoản 5, 7, 8 và 9 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP thì chế tài xử phạt hành chính cho hành vi bơm tạp chất vào tôm được quy định như sau:
-
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;
-
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
-
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về hình phạt bổ sung: Ngoài việc bị phạt tiền, các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định nêu trên còn bị tịch thu tang vật, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định.
Như vậy, mức phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi trực tiếp bơm tạp chất vào tôm dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng tùy vào mức độ, tính chất. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức bơm tạp chất vào tôm thì mức phạt tăng lên rất nhiều lần, mức phạt tiền có thể lên đến 70 triệu đồng. Lý do là bởi vì bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào được tổ chức có quy củ, bài bản thì đều gây ra hậu quả lớn hơn rất nhiều lần so với hành vi tự phát.
2. Xử lý hình sự:
Người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị truy tố về "Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" tại khoản 119 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, nếu có từ 05 đến 20 người tiêu dùng ăn phải tôm có tạp chất dẫn đến ngộ độc, hoặc thực phẩm tôm đó gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp tôm nhiễm tạp chất gây chết người thì người bơm tạp chất vào tôm có thể bị phạt phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; nếu có 3 người chết trở lên thì mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Nguyên Phú