Từ Hiệp định EVFTA, nông sản Việt Nam có những cơ hội và thách thức thế nào?

Gần tròn 3 tháng kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ ngày 01/08/2020), nền kinh tế Việt Nam nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng đã có những cơ hội và triển vọng to lớn cũng như không ít thách thức phải đối mặt.

Hiệp định EVFTA

Từ Hiệp định EVFTA, nông sản Việt Nam có những cơ hội và thách thức thế nào? (Ảnh minh họa)

Hiệp định EVFTA - tên đầy đủ là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Theo đó, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Cụ thể, từ Hiệp định EVFTA nông sản Việt Nam có những cơ hội sau:

Một là, thương hiệu nông sản Việt Nam đã đến gần hơn với người tiêu dùng châu Âu nhờ Hiệp định EVFTA.

Nhờ Hiệp định EVFTA, các mặt hàng nông sản Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU từ đó tăng độ nhận diện cho các thương hiệu nông sản Việt Nam giúp đến gần hơn với người tiêu dùng châu Âu – một trong những thị trường nghìn đô đầy tiềm năng.

Hai là, từ Hiệp định EVFTA, nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ các ưu đãi thuế quan.

Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là ưu đãi rất có lợi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các sản phẩm nông sản nói riêng. Bởi lẽ, với việc xóa bỏ thuế quan các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao tính cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp tại thị trường nội địa và thị trường các nước khác.

Ba là, Hiệp định EVFTA mở ra thêm thị trường tiềm năng cho Nông sản Việt Nam.

Việt Nam với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp đang trên đà phát triển, với thế mạnh là các mặt hàng nông sản đa dạng và phong phú nhưng việc tìm kiếm thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân vẫn luôn là một vấn đề thách thức lớn. Với việc ký kết Hiệp định EVFTA, các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ có thêm một thị trường tiềm năng để bảo đảm đầu ra ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, việc đối mặt với những thách thức là không thể tránh khỏi, cụ thể:

Một là, EU là thị trường tiềm năng nhưng cũng là thị trường khó tính nhất. Nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Bởi lẽ đây là một trong những thị trường được xem là có yêu cầu vô cùng khắt khe với việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất trên thế giới.  Vì vậy, có thể nói với quy trình sản xuất hiện tại của Việt Nam khó có thể làm “vừa lòng” thị trường này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi và phát triển hệ thống, quy trình sản xuất để cải thiện chất lượng nông sản.

Hai là, thực hiện EVFTA trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid-19 sẽ càng khó khăn hơn. Từ đầu năm đến nay, với sự bùng phát và lây lan chóng mặt của Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm từ trước đến nay cũng có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch Covid -19. 

Ba là, đổi lại những ưu đãi nhận được từ thị trường EU, thị trường nông sản Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn đối với mặt hàng nhập khẩu từ EU. Đặc điểm là khi tư duy “sính hàng ngoại” của người dân Việt Nam còn khá lớn. Theo đó, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của EVFTA sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước không chỉ về giá, mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Có thể thấy, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại là làm sao tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại cũng như có giải pháp hiệu quả đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi trong thời gian sắp tới.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1079 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;