Top 14 ngành, nghề được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020

Từ 01/01/2021, Luật Đầu tư 2020 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó có tất cả 14 ngành, nghề được ưu đãi đầu tư.

ngành nghề được ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020

Top 14 ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư 2020, có 14 ngành nghề được ưu đãi đầu tư bao gồm:

  1. Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

  2. Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

  3. Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;

  4. Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

  5. Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;

  6. Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;

  7. Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;

  8. Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;

  9. Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;

  10. Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;

  11. Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

  12. Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;

  13. Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

  14. Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào những địa bàn sau cũng sẽ nhận được ưu đãi đầu tư, bao gồm:

  • Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

  • Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Theo đó, căn cứ ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư nêu trên, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư; xác định ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Có thể thấy, những ngành nghề được ưu đãi và địa bàn được ưu đãi đầu tư thường là:

Thứ nhất, những ngành nghề có tính chất phức tạp, quy mô đáng kể, đòi hỏi nguồn vồn lớn,... mà không phải ai cũng có khả năng đầu tư và quan trọng hơn nữa là chúng có ý nghĩa rất lớn, rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ hai, những ngành, nghề có ích, có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Đơn cử như các ngành nghề trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải.

Thứ ba, những địa bàn được nhận ưu đãi đầu tư thường là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Một điều hiển nhiên là việc tiến hành đầu tư tại những vùng sâu, vùng xa, vùng núi và hải đảo thường sẽ gặp phải nhiều trở ngại hơn những địa bàn khác. Bởi lẽ, chưa kể đến hệ thống giao thông còn hạn chế, tại những địa bàn này nền tảng về cơ sở hạ tầng rất kém phát triển. Sự thiếu thốn về nguồn nhân lực, vật lực đòi hỏi nhà đầu tư phải “rót” nhiều vốn hơn so với khi đầu tư vào những địa bàn đã có sẵn nền tảng hạ tầng. Việc Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư tại những địa bàn này nhằm tạo ra sự cân bằng về điều kiện đầu tư giữa các địa bàn, khuyến khích Nhà đầu tư đầu tư vào những địa bàn này tạo sự phát triển kinh tế một cách đồng đều.

Thứ tư, việc Nhà nước khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế xuất phát từ 2 lý do chính: Một là, việc tập trung các doanh nghiệp, Nhà đầu tư tại một khu vực sẽ dễ quản lý hơn; Hai là, ngành công nghiệp có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế tuy nhiên song song với sự phát triển của nó là sự tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên. Việc hướng doanh nghiệp, Nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế riêng biệt sẽ giảm thiểu sự tác động của nó đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Tóm lại, việc Nhà nước có những chính sách cho những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn được ưu đãi đầu tư là để tạo ra sự cân bằng mà vốn dĩ điều kiện thực tế để tiến hành đầu tư có phần hạn chế hơn những ngành, nghề và địa bàn khác.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1833 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;