Thư ký Luật xin gửi đến quý thành viên bổ sung những điểm mới quan trọng của Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc Hội thông qua ngày 12/6/2018.
15. Thay đổi quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 không được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh 2018 bao gồm:
- Phân biệt đối xử của hiệp hội;
- Bán hàng đa cấp bất chính.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung thêm một trường hợp bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó”
16. Bỏ quy định miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế
Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 chỉ quy định cho phép miễn trừ đối các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế được quy định tại Điều 19 Luật Cạnh tranh 2004 nay đã không còn được quy định tại Luật Cạnh tranh 2018.
17. Thẩm quyền ra quyết định miễn trừ thuộc về Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia
Quy định tại Điều 25 Luật Cạnh tranh 2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thẩm quyền quyết định việc miễn trừ.
Tại Điều 20 Luật Cạnh tranh 2018, Uỷ ban cạnh tranh mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc miễn trừ.
18. Xác định các hành vi tập trung kinh tế bị cấm không dựa vào Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung
Luật Cạnh tranh 2004 xác định hành vi tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 xác định các hành vi tập trung kinh tế bị cấm dựa trên đánh giá hành vi tập trung kinh tế đó có gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
19. Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan giải quyết các vấn đề về Cạnh tranh
Luật Cạnh tranh 2004 đã quy định 2 cơ quan có thẩm quyền quản lý, giải quyết các vấn đề về cạnh tranh là Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
Đến Luật Cạnh tranh 2018, các cơ quan này được thống nhất lại thành Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia.
Thẩm quyền của Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia bao gồm:
- Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh;
- Tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan.
20. Tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định Luật Cạnh tranh 2004 là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Luật Cạnh tranh 2018 tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh lên 2.000.000 đồng.
- Từ khóa:
- Luật Cạnh tranh 2018