Tiết lộ bí mật kinh doanh của DN, NLĐ sẽ bị xử lý như thế nào?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Theo đó, trường hợp người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của DN thì sẽ bị xử lý như thế nào?

bí mật kinh doanh

NLĐ tiết lộ bí mật kinh doanh của DN sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật cạnh tranh 2018, cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 quy định khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

Như vậy, theo quy định trên, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm. Do đó, trường hợp doanh nghiệp có thỏa thuận với người lao động về việc không được tiết lộ bí mật kinh doanh mà người lao động vi phạm thì sẽ bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó thì sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

2. Xử phạt đối với hành vi tiết lộ bi mật kinh doanh của NLĐ

Thứ nhất: Sa thải người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp

Theo quy định Điều 126 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đới với người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.

Như vậy, theo quy định định trên, doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật người lao động ở mức cao nhất là sa thải nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, việc sa thải NLĐ phải tuân theo nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:

  • Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

  • Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

  • Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

  • Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

Thứ hai: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh

Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Đồng thời, tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa quy định tại Điều 16 Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động  có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh mà chưa được sự cho phép sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng.

Trên đây là những tư vấn của Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT về việc xử phạt đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, hy vọng những thông tin này có thể giúp Quý khách hàng và Thành viên hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về hành vi tiết lộ bí mật trong kinh doanh và mức xử phạt đối với hành vi này.

Ty Na

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6219 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;