Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược của nền kinh tế

Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII mà Đảng, Nhà nước ta chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Vừa qua, tại Nghị quyết 05-NQ/TW ban hành ngày 01/11/2016, trước thực tiễn chưa đạt mục tiêu đề ra, ba đột phá chiến lược được nhắc đến và là chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước tiếp tục hướng tới.

 

Với những thành tựu và hạn chế, yếu kém trong thực hiện ba đột phá chiến lược thời gian qua, cho thấy để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tới, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cần tập trung thực hiện tốt việc:

(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại, trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp gắn với chính sách pháp luật có liên quan.

Trọng tâm là:

  • Hoàn thiện thể chế về cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp nhà nước; thể chế về tài sản và quyền về tài sản (bao gồm quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt); thể chế về thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực; thực hiện phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa. Khắc phục tư tưởng bao cấp, xin - cho, ỷ lại của các cấp, ngành, địa phương và trong xã hội.
  • Phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; quan tâm phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và tín dụng tiêu dùng.
  • Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
  • Khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan tỏa với các khu vực kinh tế trong nước.
  • Hoàn thiện các chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực đất đai, lao động, môi trường,...
  • Nghiên cứu, xây dựng thể chế vượt trội cho những địa phương, vùng kinh tế động lực, khu hành chính- kinh tế đặc biệt để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. 

Kết cấu hạ tầng đảm bảo thì kinh tế - xã hội phát triển ổn định. Đây là điều kiện để phân bổ lực lượng sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Một hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ sẽ mở rộng không gian phát triển, kết nối các vùng kinh tế, làm tăng tính hiệu quả nhờ quy mô. Trong những năm qua, chúng ta đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trên các vùng miền của đất nước.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện vẫn còn một số bất cập, còn rời rạc, chưa đồng bộ, thống nhất. Quy mô kinh tế ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ càng bộc lộ những bất cập trong kết cấu hạ tầng nước ta, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và là một trong những điểm nghẽn tăng trưởng.

 

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.

(3) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. 

Có thể nói nguồn nhân lực chính là chìa khóa để, là trung tâm của mọi sự phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng càng cao thì tốc độ phát triển càng nhanh và ổn định. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; coi trọng đào tạo đại học và trên đại học, cao đẳng và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tạo chuyển biến nhanh và rõ nét trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao năng lực, trình độ quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề công lập; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4105 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;