Đây là nội dung quan trọng được quy định tại Quyết định 2837/QĐ-BCT năm 2020 về Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành ngày 05/11/2020.
Sắp tới sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý kinh doanh đa cấp (Ảnh minh họa)
Theo đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành là một trong 6 mục tiêu cụ thể thuộc Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công thương đã đề ra nhiệm vụ phải cập nhật hoàn thiện các văn bản pháp luật về bán hàng đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời, xử lý nghiêm minh đối với hành vi bán hàng đa cấp trái phép, đặc biệt đối với hành vi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép.
Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước trung ương có các giải pháp sau:
-
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thời gian thực hiện: năm 2021-2022
-
Sửa đổi quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để đảm bảo tính tương thích với quy định về nội dung và đảm bảo tính răn đe. Thời gian thực hiện: năm 2021-2022
-
Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 10/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 thắng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thời gian thực hiện: năm 2021-2022
-
Nghiên cứu, đánh giá thực thi Điều 217a của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp và đề xuất sửa đổi bổ sung nếu cần thiết. Thời gian thực hiện: năm 2023-2024
Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý kinh doanh đa cấp để phát huy công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này thì điều quan trọng hơn hết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với việc đề ra các nhiệm vụ như:
-
Nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật của cộng đồng về bán hàng đa cấp, đặc biệt các hình thức biến tướng;
-
Truyền thông đầy đủ, chính xác về vai trò, hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc ổn định thị trường bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian qua;
-
Khẳng định hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp trá hình như đầu tư tài chính, tiền ảo... là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, trong đó đa số trường hợp thuộc diện xử lý hình sự.
Cụ thể, để thực hiện mục tiêu này, tại Quyết định 2837/QĐ-BCT đề ra các giải pháp:
-
Tiến hành 02 khảo sát vào thời điểm năm 2021 (năm đầu tiên thực hiện Đề án) và năm 2025 (năm kết thúc Đề án) để:
-
Đánh giá nhận thức của người dân về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp;
-
Làm tiền đề để xây dựng các kế hoạch và nội dung hoạt động truyền thông trong các năm tiếp theo;
-
Tạo cơ sở đánh giá kết quả việc thực hiện các giải pháp tuyên truyền về pháp luật quan lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong Đề án của các Sở Công Thương.
-
-
Xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông về công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thời gian thực hiện: hàng năm
-
Tổ chức tọa đàm trao đổi, thảo luận để tuyên truyền phổ biến pháp luật bán hàng đa cấp, nhận biết các hành vi đa cấp trái phép trên báo nói, báo hình. Thời gian thực hiện: hàng năm, 02 sự kiện/năm
-
Tổ chức cuộc thi “Giải pháp tuyên truyền hiệu quả pháp luật bán hàng đa cấp tại địa phương" theo hình thức video chuyên đề, phóng sự ghi nhận các biện pháp tuyên truyền đã thực hiện hiệu quả tại các địa phương. Thời gian thực hiện: năm 2022 và năm 2024.
Bản chất của đa cấp là không hề xấu mà đây chỉ là mô hình kinh doanh đặc biệt dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng khác với mô hình kinh doanh thông thường. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động này đã bị biến tướng dẫn đến cái nhìn tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh này. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý kinh doanh đa cấp trong thời gian sắp tới sẽ là điểm mấu chốt giúp hoạt động này phát triển theo hướng tích cực hơn.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Quyết định 2837/QĐ-BCT
- Kinh doanh đa cấp