Quy định về thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung

Xin hỏi về việc thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung được quy định như thế nào? - Ngọc Phượng (Phú Yên)

Quy định về thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung

Quy định về thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung (Hình từ Internet)

1. Mua sắm tập trung là gì?

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Đấu thầu 2013 thì mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

2. Nguyên tắc trong mua sắm tập trung

Nguyên tắc trong mua sắm tập trung theo Điều 68 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định như sau:

- Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. 

Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

- Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung thỏa thuận khung và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung trên cơ sở thỏa thuận khung.

Trường hợp ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán hợp đồng.

- Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với mua sắm tập trung được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc nhiều người có thẩm quyền khác nhau, người có thẩm quyền của các gói thầu thỏa thuận, ủy quyền cho một người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 73 Luật Đấu thầu 2013

Trong trường hợp này, người có thẩm quyền giao cho một đơn vị trực thuộc có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 69 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

3. Trường hợp áp dụng mua sắm tập trung

Trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu 2013 thì mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.

4. Cách thức mua sắm tập trung

Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong các cách tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2013 như sau:

- Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

- Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

5. Quy định về thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung

- Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu 2013 thì thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận dài hạn giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn và điều kiện để làm cơ sở cho việc mua sắm theo từng hợp đồng cụ thể.

- Thời hạn cho việc sử dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 03 năm theo khoản 2 Điều 45 Luật Đấu thầu 2013.

- Theo Điều 72 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, đơn vị mua sắm tập trung quy định cụ thể về nội dung chi tiết của thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp nhưng phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; bảng kê số lượng hàng hóa, dịch vụ;

+ Thời gian, địa điểm giao hàng, cung cấp dịch vụ dự kiến;

+ Điều kiện bàn giao hàng hóa, dịch vụ; tạm ứng, thanh toán, thanh lý hợp đồng;

+ Mức giá trần tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ;

+ Điều kiện bảo hành, bảo trì; đào tạo, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;

+ Trách nhiệm của nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

+ Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ;

+ Trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung;

+ Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận khung;

+ Xử phạt do vi phạm hợp đồng;

+ Các nội dung liên quan khác.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4141 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;