Quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Xin hỏi về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất được quy định như thế nào? - Thúy An (Long An)

Quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất (Hình từ Internet)

1. Quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

- Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:

+ Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

+ Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;

Trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.

- Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam.

Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.

Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.

- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

- Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác

Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác theo Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

- Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn;

Hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

+ Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;

Trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Riêng đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất trên cơ sở văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

+ Hàng hóa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

- Thương nhân được tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài. Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

- Tạm nhập, tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại:

+ Thương nhân được tạm nhập hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

+ Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

+ Thương nhân đảm bảo tuân thủ các quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương IV Luật Thương mại.

- Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất trong các trường hợp sau đây tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất:

+ Tạm nhập hàng hóa để phục vụ đo kiểm, khảo nghiệm.

+ Tạm nhập tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam.

+ Tạm nhập tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng.

- Đối với việc tạm nhập, tái xuất máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của các tổ chức nước ngoài để khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo;

Tạm nhập, tái xuất dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật, đoàn thi đấu, biểu diễn thể thao, thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

Trường hợp máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh; dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; 

Hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, khi thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, cần nộp bổ sung các giấy tờ sau:

+ Văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

+ Văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích và theo quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức được cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm nhập, tái xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2969 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;