Chính phủ vừa ban hành Nghị định 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định điều kiện, hồ sơ thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn như sau:
- Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- Hồ sơ đề nghị hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn
Quy định mới về thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn (Ảnh minh họa)
1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn
Theo Điều 4 Nghị định 23/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định, cụ thể:
+ Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.
+ Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.
+ Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
- Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định.
- Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.
2. Hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn
2.1 Đối với doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp;
- Đề án thành lập doanh nghiệp gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Căn cứ pháp lý, mục tiêu, sự cần thiết thành lập doanh nghiệp;
+ Tên gọi, mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp và thời gian hoạt động;
+ Địa điểm trụ sở chính của doanh nghiệp, địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và diện tích đất sử dụng; chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);
+ Nhiệm vụ do Nhà nước giao; ngành, nghề kinh doanh; danh mục sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng;
+ Đánh giá sự phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành quốc gia;
+ Tình hình thị trường, nhu cầu và triển vọng thị trường về từng loại sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng; công nghệ dự kiến áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm sau khi thành lập;
+ Mức vốn điều lệ; dự kiến tổng vốn đầu tư;...
+ Dự kiến hậu quả kinh tế, hiệu quả xã hội;
+ Dự kiến khả năng cung ứng nguồn lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, công nghệ,...
- Dự thảo Điều lệ của doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP.
2.2 Đối với doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập
Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định hồ sơ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương khi thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp;
- Đề án thành lập doanh nghiệp với các nội dung nêu trên.
Lưu ý: Trường hợp việc thành lập doanh nghiệp gắn với việc hình thành dự án đầu tư thì thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nghị định 23/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2022; thay thế Nghị định 172/2013/NĐ-CP và Nghị định 128/2014/NĐ-CP.
Bảo Ngọc