Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
- Tăng mạnh mức phạt tiền đối với hành vi phân biệt đối xử NLĐ thuê lại
- Phạt đến 30 triệu đồng DN sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc vào ban đêm
Ảnh minh họa
Theo đó, Nghị định này quy định, sẽ tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu người sử dụng lao động là tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết như không bố trí ngày nghỉ cho người lao động, ép người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, tết hoặc không trả đủ tiền lương cho người lao động nếu người lao động đi làm vào những ngày nghỉ, lễ,… Cụ thể:
Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Hiện nay, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi này như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, có thể thấy, Nghị định 28 đã tăng mạnh mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết so với quy định hiện nay tại Nghị định 95. Hiện nay, mức phạt tối đa là 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân và 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên còn từ ngày 15/4/2020, mức phạt tiền tối đa này sẽ lên đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân và 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức và không phân biệt là vi phạm với bao nhiêu người lao động.
Bên cạnh đó, Nghị định 28 cũng nâng mức phạt tối đa đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể mức phạt như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Hiện nay, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Xem thêm các nội dung của nghị định 28/2020/NĐ-CP TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh