Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án hình sự "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" (QSHCN) xảy ra tại xã Hòa Long (TP Bà Rịa) đối với nhãn hiệu bia SAIGON VIETNAM.
Nhái nhãn hiệu bia SAIGON: Xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
1. Hành vi vi phạm
Theo đó, cơ sở sản xuất BiVa sản xuất bia có nhãn hiệu bia SAIGON VIETNAM để bán ra thị trường có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Hành vi trên đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu thì không được thực hiện các hành vi dưới đây:
-
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
-
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
-
Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
-
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Về khái niệm quyền sở hữu công nghiệp, khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 (sửa đổi) quy định: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Về khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng, khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 (sửa đổi) quy định: Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Bia SAIGON của công ty Sabeco là thương hiệu nổi tiếng, đã có từ lâu đời và được rất nhiều người Việt Nam biết đến. Do đó, hành vi sản xuất bia SAIGON VIETNAM (có sử dụng từ ngữ, màu sắc, hình ảnh logo trùng với nhãn hiệu được bảo hộ) là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, cụ thể ở đây là xâm phạm với nhãn hiệu nổi tiếng.
2. Trách nhiệm pháp lý:
Với việc phát hiện hơn 4700 thùng bia thành phẩm, giá mỗi thùng bia dao động từ 130 nghìn đến 160 nghìn đồng thì tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã lên trên hơn 500 triệu đồng. Do đó, công ty BiVa phải chịu các hình thức xử phạt sau:
- Xử phạt hành chính: Căn cứ theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt dao động từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.
- Xử lý hình sự: Căn cứ theo điểm b, khoản 4 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015, cơ sở sản xuất BiVa có thể bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2009 (sửa đổi)
Nguyên Phú