Luật Đầu tư 2020: Nhiều chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư

Từ ngày 01/01/2021, Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực. Theo quy định của Luật này đã có nhiều chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư, cụ thể như sau:

Luật Đầu tư 2020, nhiều chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư

Luật Đầu tư 2020: Nhiều chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

1. Quy định rõ phạm vi áp dụng để tránh sự chồng chéo của các quy định

Tại Điều 4 Luật Đầu tư 2020 quy định về việc áp dụng Luật Đầu tư 2020 và các luật có liên quan cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và luật khác có liên quan.

Thứ hai, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày 01/01/2021 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Quy định về tên ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong các luật khác phải thống nhất với Điều 6 và các Phụ lục của Luật Đầu tư 2020.

Thứ ba, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư 2020 và luật khác đã được ban hành trước ngày 01/01/2021 về trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020, trừ các trường hợp sau đây:

  • Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

  • Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư công và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công;

  • Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án; bảo đảm đầu tư, cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

  • Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhà ở, khu đô thị thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ởLuật Kinh doanh bất động sản sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư;

  • Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Dầu khí;

  • Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.

Thứ tư, trường hợp luật khác ban hành sau ngày 01/01/2021 cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư 2020 thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Thứ năm, đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Có thể thấy, nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư 2020 đã phân định rõ phạm vi áp dụng Luật Đầu tư 2020 và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

2. Cắt giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 quy định danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định 227 ngành nghề.

Trong khi đó, tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 quy định 268 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 268 ngành xuống còn 227 ngành). Theo đó, một số ngành nghề cụ thể sau từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện:

  • Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại;

  • Hoạt động dạy nghề;

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

  • Nhượng quyền thương mại;

  • Kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc;

  • Kinh doanh than;

  • ...

Có thể thấy, tại Luật Đầu tư 2020 đã tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.

3. Bổ sung hình thức ưu đãi đầu tư

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm 04 hình thức sau:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

So với quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung hình thức “khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế” trong chính sách ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, tại Luật Đầu tư 2020 còn mở rộng thêm các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư, bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư và áp dụng một số ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

4. Không gia hạn dự án lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ về môi trường

Điều 24 Luật Đầu tư 2020 đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, tại khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư cũng bổ sung quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. 

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư cũng bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Đồng thời, theo Điều 45 Luật Đầu tư 2020 quy định về việc xác định giá trị vốn đầu tư; giám định giá trị vốn đầu tư; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1588 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;