M&A được hiểu là hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, cụm từ này là viết tắt của thuật ngữ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Theo đó, vấn đề pháp lý M&A trong doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể.
Khái quát về pháp lý M&A trong doanh nghiệp hiện nay (Ảnh minh họa)
Hoạt động M&A tuy chưa được điều chỉnh trong một văn bản pháp luật riêng biệt nhưng vẫn được đề cập ở một số văn bản pháp luật khác. như: Luật Doanh nghiệp 2014; Luật Cạnh tranh 2018;... Từ những quy định rải rác trong các văn bản pháp luật hiện nay, M&A có thể được khái quát thông qua những nội dung như sau:
1. Các khái niệm M&A
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, sáp nhập, hợp nhất được xem như một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Theo đó,
-
Sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là:
Một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập;
-
Hợp nhất doanh nghiệp được hiểu là:
Hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
Nhìn chung, hoạt động M&A xuất phát từ 2 hoạt động chính là sáp nhập và mua bán doanh nghiệp. Sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là hình thức kết hợp lại hai công ty có cùng quy mô, thống nhất gộp chung cổ phần. Công ty sáp nhập sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới. Mua bán doanh nghiệp được hiểu là hình thức kết hợp mà một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác và trở thành chủ sở hữu. Tuy nhiên việc mua lại không hình thành một pháp nhân mới.
2. Đặc điểm của M&A
- Về nguyên tắc, là phải tạo ra được giá trị cổ đông (hay còn gọi là “giá trị cộng hưởng”) lớn hơn tổng giá trị hiện tại của hai doanh nghiệp khi còn hoạt động riêng rẽ.
- Về hình thức, ở Việt Nam hiện nay hoạt động M&A có thể được tiến hành dưới các phương thức như:
-
Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp;
-
Mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ động của công ty;
-
Sáp nhập doanh nghiệp;
-
Hợp nhất doanh nghiệp;
-
Chia, tách doanh nghiệp.
Trên thực tế, hoạt động M&A ở Việt Nam chủ yếu tiến hành dưới phương thức góp vốn trực tiếp và mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần của doanh nghiệp.
- Về mục đích, khi nhà đầu tư (NĐT) tiến hành một thương vụ M&A đều có mục đích nhất định.
+ Đối với các doanh nghiệp lớn mục đích thường là sở hữu cổ phần/phần vốn góp để:
-
Giành quyền kiểm soát, có thể tham gia vào các quyết định quan trọng của doanh nghiệp bị sát nhập/ mua lại mà không đơn thuần là đầu tư mua cổ phần/phần vốn góp nhỏ, lẻ;
-
Tăng thị phần, tiến hành chiếm lĩnh thị trường, nâng cao tiềm lực kinh tế của DN sáp nhập/mua lại.
+ Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục đích của hoạt động M&A là để:
-
Củng cố tiềm lực kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tìm kiếm chỗ đứng nhất định trên thị trường;
-
Cắt giảm chi phí đầu tư sản xuất hay chi phí vận hành không cần thiết tăng hiệu quả hoạt động của DN.
3. Tiến trình thực hiện hoạt động M&A
Hiện nay vẫn chưa có quy định về một quy trình chuẩn hay phương thức chung nào cho một thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung trên thực tế một thương vụ M&A trải qua 03 giai đoạn với 05 bước thực hiện như sau:
Giai đoạn 1: Tiền M&A
Bước 1: Tiếp cận đối tượng mục tiêu
Cơ sở của việc tiến hành hoạt động M&A là việc xác định được đối tượng mục tiêu. Mỗi một DN mục tiêu đều có những đặc điểm riêng cần xem xét. Sau khi xác định được đối tượng mục tiêu, NĐT phải tiến hành khảo sát, đánh giá, phân tích đối tượng mục tiêu này dựa trên một số nội dung như: lĩnh vực hoạt động; vị thế và khả năng chiếm lĩnh thị trường; quản trị công ty; cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ,… Việc tiếp cận đối tượng mục tiêu có thể được thực hiện trực tiếp bởi NĐT/doanh nghiệp hoặc thông qua tổ chức trung gian có chức năng tư vấn, môi giới.
Bước 2: Báo cáo thẩm định
Sau khi tiến hành tiếp cận đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp sáp nhập/mua lại (gọi là Bên mua) sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn pháp lý và tư vấn tài chính chuyên nghiệp để đánh giá tổng thể đối tượng mục tiêu dựa trên những thông tin nội bộ doanh nghiệp mà doanh nghiệp bị sáp nhập/thu mua cung cấp (gọi là Bên bán). Việc cung cấp này thường dựa trên ký kết thoả thuận bảo mật thông tin giữa các bên.
Tuỳ từng đối tượng mục tiêu và nhu cầu của Bên mua, báo cáo thẩm định có thể gồm thẩm định tài chính hay thẩm định pháp lý hoặc cả hai. Báo cáo thẩm định tài chính là cơ sở để xác định giá trị thương vụ M&A. Đối với báo cáo thẩm định pháp lý sẽ là cơ sở xác định tình trạng và các rủi ro pháp lý khi đưa ra quyết định mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp.
Giai đoạn 2: Ký kết M&A
Bước 3: Đàm phán và ký kết M&A
Sau khi có kết quả thẩm định chi tiết, Bên mua xác định được hình thức tiến hành của thương vụ M&A là sáp nhập, hợp nhất hay mua lại (một phần hay toàn bộ). Khi đó, hai bên sẽ tiến hành đàm phán để đạt được thỏa thuận ký kết M&A. Quá trình đàm phán sẽ thống nhất các vấn đề như hình thức của giao dịch M&A, giá giao dịch, những lợi ích và ràng buộc của doanh nghiệp, các vấn đề hậu M&A. Tuy nhiên, trong quá trình này gặp phải một vấn đề là hai bên không thống nhất được giá giao dịch. Trong trường này các bên có thể nhờ đến đơn vị thẩm định giá độc lập để xác định giá trị của Bên mua.
Bước 4: Thủ tục pháp lý ghi nhận M&A
Việc thâu tóm một doanh nghiệp của Bên mua chỉ được pháp luật công nhận khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc ghi nhận sự chuyển giao từ Bên bán sang Bên mua, đặc biệt với các loại tài sản, quyền phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Các thủ tục đăng ký thay đổi gồm: thay đổi thành viên; thay đổi ngành nghề kinh doanh; việc chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp,… Khi hoàn thành bước này, một thương vụ M&A có thể được xem như kết thúc và hoàn thành.
Giai đoạn 3: Hậu M&A
Bước 5: Tái cơ cấu doanh nghiệp
Giai đoạn tái cấu trúc doanh nghiệp hậu M&A là bài toán khó đặt ra với Bên mua về việc không để M&A đổ vỡ. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý ghi nhận M&A, Bên mua phải đối mặt với các bài toán về bất ổn về nhân sự, bất động trong chính sách quản lý, mâu thuẫn về văn hoá doanh nghiệp,… Điều này đòi hỏi Bên mua phải có đủ năng lực để tổ chức đánh giá lại, khai thác nguồn nhân sự của DN bị thâu tóm.
Thực trạng hoạt động M&A tại Việt Nam hiện này vẫn tồn tại những thách thức khá lớn. Trở ngại lớn nhất là quy định pháp luật về hoạt động M&A chưa được thống nhất nên các hoạt động xoay quanh tiến trình thực hiện hoạt động M&A chưa mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, vì quy định không rõ ràng, không có cơ sở nên việc công bố thông tin hay báo cáo tài chính thiếu minh bạch; thẩm định giá không phù hợp hay vấn đề về thuế làm các NĐT nhất là các NĐT nước ngoài có tâm lý “e dè” khi quyết định đầu tư vào thị trường M&A Việt Nam khi có quá nhiều rủi ro phải đối mặt.
Thùy Trâm