Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi là CISG) đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Việc hiểu nội dung của Công ước, đặc biệt là nắm được sự khác biệt giữa CISG và Luật Thương mại Việt Nam 2005 nhằm áp dụng một cách chủ động và hiệu quả văn bản luật thống nhất này là điều rất cần thiết đối với các nhà thực hành luật và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Dưới đây là một số điểm khác biệt lớn giữa CISG và Luật Thương mại 2005 cùng với một số lưu ý đối với doanh nghiệp:
Từ ngày 1/1/2017, Công ước Liên Hiệp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa (Công ước Viên - CISG) có hiệu lực tại Việt Nam. Đây được xem là bộ luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế, với 101 điều khoản liên quan đến các vấn đề pháp lý kể từ khi hình thành hợp đồng. Công ước Viên còn quy định quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, đồng thời chỉ rõ những chế tài khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa...
1. Hình thức của hợp đồng
Luật Thương mại năm 2005 quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Khoản 2 Điều 27).
CISG công nhận nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng, theo đó một hợp đồng mua bán hàng hóa không nhất thiết phải bằng văn bản mà có thể được thành lập bằng lời nói, bằng hành vi và có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng (Điều 11 CISG).
Đây là một điểm khác biệt cơ bản giữa CISG và pháp luật Việt Nam về hình thức của hợp đồng. Khi tham gia CISG, để tạo ra sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và CISG, Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu về hình thức của hợp đồng theo Điều 96 CISG[1]. Điều này có nghĩa là các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các quốc gia thành viên CISG vẫn phải được xác lập dưới hình thức văn bản.
Cần phải khẳng định rằng theo tinh thần của CISG và của Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 thì các hình thức như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (thư điện thử, viber, zalo…) cũng được coi là tương đương văn bản. Với tính chất nhanh chóng, tiện lợi, miễn phí, xu hướng sử dụng các phương tiện điện tử trong việc giao kết, trao đổi thông tin thực hiện hợp đồng ngày càng phổ biến.
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải các rủi ro lừa đảo qua thư điện tử và thiệt hại hàng triệu USD, điển hình là vụ Echopack trong lĩnh vực thủy sản[2]. Vì vậy, đồng thời với việc sử dụng các phương tiện điện tử làm phương tiện giao kết và thực hiện hợp đồng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những biện pháp về kỹ thuật và công nghệ để thực hiện việc bảo mật và đảm bảo an toàn về thông tin, và cũng cần có tư duy cẩn trọng hơn trong các giao dịch.
Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng hình thức văn bản sẽ áp dụng không chỉ cho hợp đồng mà cho cả thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng, chào hàng, chấp nhận chào hàng hoặc các trao đổi khác giữa các bên. Với quy định này, các doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng mà có các trao đổi bằng điện thoại cần thực hiện việc xác nhận lại thông tin qua hình thức văn bản nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định về hình thức hợp đồng.
2. Chấp nhận chào hàng với những sửa đổi, bổ sung
Khoản 1, Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự đồng ý của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về toàn bộ nội dung của đề nghị. Như vậy, nếu bên được đề nghị đề xuất sửa đổi hoặc đưa ra điều kiện đối với bên đề nghị, bên được đề nghị đã đưa ra một đề nghị mới (Điều 392 BLDS 2015).
CISG có cách tiếp cận linh hoạt hơn. Điều 19 CISG quy định sự phúc đáp có chứa đựng các điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác mà không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng thì được coi là chấp nhận chào hàng, trừ phi người chào hàng ngay lập tức biểu hiện bằng miệng để phản đối những điểm khác biệt đó hoặc gửi thông báo về sự phản đối của mình cho người được chào hàng. Nếu người chào hàng không làm như vậy, thì nội dung của hợp đồng sẽ là nội dung của chào hàng với những sửa đổi nêu trong chấp nhận chào hàng. Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả, thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng, đến phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến việc giải quyết tranh chấp được coi là những điều kiện làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng.
Một số sửa đổi được coi là không làm biến đổi cơ bản nội dung chào hàng: điều chỉnh về số lượng hàng hóa trong mỗi lô hàng mà không làm thay đổi tổng số lượng hàng; yêu cầu bảo mật cho đến khi các bên công bố nội dung của hợp đồng, sửa đổi một số yêu cầu về bao bì…
Cần lưu ý là việc xác định một sửa đổi, bổ sung chào hàng có thay đổi cơ bản nội dung chào hàng hay không cần được thực hiện theo từng trường hợp, tùy thuộc vào các yếu tố của giao dịch và sự ảnh hưởng của sửa đổi/bổ sung chào hàng đối với toàn bộ nội dung hợp đồng và đối với từng bên của hợp đồng. Ví dụ, thông thường một sửa đổi bổ sung liên quan đến vấn đề bao bì hàng hóa thường được coi là “không cơ bản”, nhưng trong một số trường hợp, bao bì lại được coi là yếu tố cơ bản của hợp đồng[3].
Trong quá trình đàm phán hợp đồng, đặc biệt là thông qua các trao đổi bằng thư điện tử và các phương tiện điện tử khác, cần làm rõ việc chấp nhận hay không chấp nhận các đề xuất do đối tác đưa ra, kể cả đó là những vấn đề nhỏ. Để an toàn hơn, cần có một thư xác nhận tất cả nội dung đã được thỏa thuận thống nhất giữa các bên trong quá trình đàm phán hợp đồng.
3. Thời hạn kiểm tra hàng hóa và khiếu nại về hàng hóa không phù hợp
Theo Luật Thương mại 2005, thời hạn khiếu nại là 3 tháng đối với khiếu nại về số lượng, 6 tháng đối với khiếu nại về phẩm chất, tính từ ngày giao hàng. CISG quy định thời hạn này tối đa có thể là 2 năm kể từ ngày giao hàng. Sự khác biệt này giữa Luật TM 2005 và CISG là hoàn toàn có thể lý giải được do Luật Thương mại 2005 được soạn thảo để áp dụng cho hợp đồng trong nước, còn CISG được áp dụng cho hợp đồng mua bán quốc tế (được suy đoán là thường phức tạp hơn về kỹ thuật cũng như về các quy định pháp lý tương ứng).
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là CISG lại quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về thời hạn kiểm tra hàng hóa và thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa.
Việc kiểm tra hàng hóa, theo quy định tại Điều 38 CISG phải được người mua (người nhập khẩu, người nhận hàng) thực hiện trong thời hạn ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép và theo quy định tại Điều 39 CISG, nếu phát hiện sự không phù hợp của hàng hóa thì phải thông báo về sự không phù hợp đó trong thời hạn hợp lý sau khi phát hiện hoặc phải phát hiện ra sự không phù hợp đó. Luật Thương mại Việt Nam không có quy định tương tự.
Câu hỏi đặt ra là, dựa vào đâu để xác định “thời hạn ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép” và “thời hạn hợp lý”?
CISG không đưa ra tiêu chí xác định thế nào là “thời hạn ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép”, do đó, tiêu chí này thường được xác định tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Các án lệ về điều khoản này cũng cho thấy một số tiêu chí có thể được sử dụng để xác định “thời hạn ngắn nhất” như: các khía cạnh liên quan đến người mua (tình trạng cá nhân hay thương mại của người mua…), loại hàng hóa, mức độ phức tạp của hàng hóa, tính chất của hàng hóa (hàng dễ hỏng, hàng mang tính chất thời vụ…), khối lượng hàng được giao, khối lượng công việc cần thực hiện để kiểm tra hàng hóa… Một số tiêu chí khác nữa cũng có thể sử dụng như: tính chuyên nghiệp/kinh nghiệm của người mua; sự sẵn có của cơ sở vật chất cho kiểm tra; thời hạn, hình thức sử dụng hay hình thức bán lại mà người mua mong muốn thực hiện, theo thói quen, thực tiễn và các yếu tố khác của hoàn cảnh.[4]
Thực tiễn án lệ áp dụng Điều 38.1 cũng cho thấy một số thời hạn sau đây đã được ghi nhận là đáp ứng yêu cầu về thời hạn mà quy định này đặt ra như: một tháng sau ngày giao hàng; hai tuần sau ngày giao hàng đầu tiên được thỏa thuận trong hợp đồng; một tuần sau ngày giao hàng; một vài ngày sau khi giao hàng tại cảng đến; ba ngày sau khi hàng được giao cho người mua; hai ngày sau khi giao hàng hay thậm chí là ngay vào ngày giao hàng cho người mua[5].
“Thời hạn hợp lý” để thông báo sự không phù hợp của hàng hóa được xác định tùy vào từng tình huống cụ thể. Thời hạn này có thể là 1 ngày, 1 tuần hoặc 1 tháng, tùy thuộc vào tình tiết vụ việc, tính chất hàng hóa, các yêu cầu về phương tiện, nhân lực, phương thức sử dụng[6]…
Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các thời hạn này: sau khi nhận hàng, cần tiến hành kiểm tra hàng hóa ngay, đặc biệt đối với hàng hóa mau hỏng; đối với các hàng hóa khác cũng nên kiểm tra trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hàng. Nếu phát hiện sự không phù hợp của hàng hóa (về số lượng, chất lượng…), nên thông báo ngay cho đối tác để tìm biện pháp xử lý.
Cách tốt nhất là đàm phán và quy định rõ trong hợp đồng về các thời hạn này nhằm tránh tranh chấp về sau. Ví dụ, các bên có thể quy định thời hạn kiểm tra và khiếu nại là 1 tháng kể từ ngày nhận hàng.
[1] Một số quốc gia khác cũng thực hiện bảo lưu này: Argentina, Armenia, Belarus, Chile, Estonia, Hungary
[2] Xem thêm bài viết về vấn đề này tại: http://viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien/khong-"mat-canh-giac"-voi-rui-ro-trong-thanh-toan-quoc-te-a1056.html
[3] Án lệ về giao dịch mua bán đường được đóng trong bao bì có chất lượng (có thể là bao mới hay đã qua sử dụng), trích dẫn bởi: Karl H. Neumayer, Catherine Ming, Convention de Vienne sur les contrats de vente internationale de marchandise, Cedidac, 1993, tr.182. Hoặc án lệ về thịt hun khói, theo đó việc người được chào hàng đề xuất giao hàng không có bao bì được coi là thay đổi cơ bản nội dung chào hàng (trong chào hàng có nêu thịt hun khói được đóng gói), xem án lệ của Đức: OIG Hamm, 22/09/1992- 19 U 97/91.
[4] Xem trong CLOUT Vụ việc số. 423 Tòa Oberster Gerichtshof ngày 27 tháng 8 năm 1999.
[5] UNCITRAL, UNCITRAL Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2012 edition, United Nations, New York, 2012, p. 162, para. 13-14.
[6] Xem các phán quyết của Tòa án Áo trong CLOUT vụ việc số 1057 Tòa Oberster Gerichtshof ngày 2 tháng 4 năm 2009; Tòa Oberlandesgericht Linz ngày 1 tháng 6 năm 2005; vụ việc số 538 Tòa Oberlandesgericht Innsbruck ngày 26 tháng 4 năm 2002. Trong án lệ ngày 27 tháng 8 năm 1999, tòa Oberster Gerichtshof có khẳng định rằng trong trường hợp thông thường người mua phải thông báo cho người bán theo điều 39 khoản 1 trong vòng 14 ngày kể từ khi giao hàng. Ví dụ như trong án lệ trước đó ngày 27 tháng 5 năm 1997 đối với hàng hóa là bộ thăng bằng khoan sâu (Deep drill stabilizers) thì tòa tối cao Áo lại cho phép đến 1 tháng.
PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Trọng tài viên,
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
- Từ khóa:
- Luật Thương mại 2005