Sau khi chia, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục gì liên quan đến thuế? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục về thuế khi chia doanh nghiệp năm 2021.
Hướng dẫn thủ tục về thuế khi chia doanh nghiệp theo quy định mới nhất (Ảnh minh họa)
1. Thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với các doanh nghiệp bị chia
Doanh nghiệp bị chia phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp bị chia bao gồm:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC;
- Các giấy tờ khác có liên quan: Bản sao quyết định chia; (đối với đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp thì cần có Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Doanh nghiệp bị chia nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có hợp đồng chia.
2. Thủ tục đăng ký thuế đối với doanh nghiệp mới được chia
Hồ sơ đăng ký thuế của các doanh nghiệp mới được chia chính là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
- Các giấy tờ quy định tại các Điều 23 và Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP tùy vào từng loại hình doanh nghiệp;
- Nghị quyết, quyết định về việc chia công ty;
- Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty.
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ thủ tục về thuế khi chia doanh nghiệp. Để cập nhật thông tin pháp lý mới nhất về doanh nghiệp, quý bạn đọc đăng ký Tại đây (miễn phí).
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế.
- Từ khóa:
- Thông tư 105/2020/TT-BTC