Hướng dẫn 6 bước tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Dưới đây là Hướng dẫn 6 bước tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp.

 thủ tục phá sản doanh nghiệp

Hướng dẫn 6 bước tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Luật Phá sản 2014, thủ tục phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Theo Luật Phá sản quy định khi yêu cầu TAND mở thủ tục phá sản, các chủ thể sau đây phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp trực tiếp tại TAND hoặc gửi đến TAND qua bưu điện:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

  • Chủ DNTN, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, chủ sở hữu công ty, thành viên hợp danh khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán hoặc dưới 20% nhưng được quy định tại Điều lệ công ty.

  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

- Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.

- Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chưa hợp lệ thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn.

- Tòa án quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:

  • Người nộp đơn không đúng quy định;

  • Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Tòa án khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

  • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn và ra quyết định mở thủ tục phá sản

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản và ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 4: Triệu tập Hội nghị chủ nợ

Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo thủ tục rút gọn.

- Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất: Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02.

- Hội nghị chủ nợ lần thứ hai: Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:

  • Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

  • Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;

  • Đề nghị tuyên bố phá sản. 

Bước 5: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 6: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

  • Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản;

  • Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

  • Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3513 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;