Hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang trong giai đoạn chờ ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ. Dự thảo Luật đưa ra những quy định về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại và hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại Quỹ và các định chế tài chính khác là một nội dung đáng chú ý.

 

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại

Trong hoạt động tín dụng, Nhà nước thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở tiếp cận vốn vay tại ngân hàng thương mại. Đồng thời, Ngân hàng thương mại thực hiện các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác phù hợp với quy mô, đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy trình cho vay phải được thiết kế phải phù hợp với mô hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa về thủ tục, thời gian giải ngân vốn nhanh, đảm bảo an toàn tín dụng.

Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trường hợp ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 30% hoặc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi theo mục tiêu phát triển thì được hưởng các hỗ trợ theo quy định của Chính phủ­­.

So với quy mô doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, thị trường xuất khẩu.

Ngân hàng nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông cung cấp những thông tin minh bạch, tuân thủ quy định của Pháp luật để các cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thuế, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn miễn tuân thủ nghĩa vụ đối với nhà nước của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại quỹ và các định chế tài chính khác

Ngoài quy định về vay vốn tín dụng tại ngân hàng thương mại như trên thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi được vay vốn tại Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua đó, Ngân sách nhà nước đảm bảo cấp đủ vốn điều lệ tối thiểu cho quỹ hoạt động để phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng thông qua việc mở rộng các nghiệp vụ tư vấn, quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu của quỹ để bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tự nguyện góp vốn thành lập quỹ tương hỗ theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu nâng cao năng lực kinh doanh và hỗ trợ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành viên.

Theo đó, Quỹ tương hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hiểu là tổ chức tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích của các thành viên góp vốn, tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Quỹ tự đảm bảo về kinh phí hoạt động, có thu phí từ cung cấp dịch vụ hỗ trợ thành viên để trang trải chi phí hoạt động. Quỹ được miễn thuế thu nhập từ các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ thành viên.

Quỹ phục vụ cho các thành viên của quỹ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu, tự nguyện và chấp thuận điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Đối với các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm trong phạm vi góp vốn của mình.

Ngoài ra, Chính phủ còn khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp từ nguồn vốn góp của các nhà đầu tư nhằm đầu tư cho khởi nghiệp.

Dự thảo Luật nêu rõ các quỹ đầu tư khởi nghiệp đã huy động được từ 10 tỷ đồng trở lên từ các nhà đầu tư tư nhân được phép đề nghị Nhà nước tham gia góp vốn. Nhà nước tham gia góp vốn vào các quỹ đầu tư khởi nghiệp được lựa chọn tối đa 30% tổng số tiền huy động được của quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp có quyền lựa chọn mua lại phần vốn góp của Nhà nước tại quỹ sau 05 (năm) năm đầu và trả lại Nhà nước toàn bộ tiền góp vốn cùng lãi suất đã thỏa thuận.

Lợi thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa là được ưu tiên tiếp cận các dịch vụ tín dụng vi mô từ các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.


 

 

Như vậy, hỗ trợ tiếp cận tín dụng là một trong những chính sách ưu đãi có trọng tâm của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần xây dựng niềm tin và động lực hoạt động kinh doanh cho mọi doanh nghiệp, tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả mọi người. 

Xem chi tiết toàn văn Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1150 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;