Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất được pháp luật quy định như thế nào? - Hoàng Trang (Tiền Giang)
Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất (Hình từ Internet)
1. Quy định về mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo Điều 26 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
- Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
- Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều 26 Nghị định 69/2018/NĐ-CP là mã số riêng đối với từng nhóm hàng hóa. Doanh nghiệp được cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng hóa nào thì được kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng thuộc phạm vi của nhóm hàng hóa đó.
- Đối với kho, bãi đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh và để được cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp không được cho doanh nghiệp khác thuê lại để sử dụng vào mục đích xin cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.
- Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc thì chỉ doanh nghiệp có mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của nhóm hàng hóa đó mới được đứng tên trên tờ khai nhập kho ngoại quan và tờ khai xuất kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất.
Hàng hóa gửi tại kho ngoại quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
- Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định 69/2018/NĐ-CP, trong đó doanh nghiệp không thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc không thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện và không phải có mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Trong trường hợp cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định về cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu biên giới không thuộc phía Bắc.
2. Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo Điều 27 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
- Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất: 1 bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.
+ Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận về việc doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định 69/2018/NĐ-CP: 1 bản chính.
+ Tài liệu chứng minh doanh nghiệp sở hữu kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 69/2018/NĐ-CP: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.
+ Văn bản của cơ quan điện lực nơi doanh nghiệp có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 1 bản chính.
Trường hợp doanh nghiệp xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng hóa đã qua sử dụng thì không phải nộp các giấy tờ nêu tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 27 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
- Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có kho, bãi kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra điều kiện kho, bãi, Bộ Công Thương xem xét cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh cho doanh nghiệp.
Đối với mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.
Trường hợp không cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trường hợp bổ sung, sửa đổi mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, cấp lại do mất, thất lạc mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.
- Trường hợp phải xác minh các tài liệu, giấy tờ liên quan trong hồ sơ đề nghị cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp, thời gian xử lý hồ sơ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Nghị định 69/2018/NĐ-CP tính từ thời điểm Bộ Công Thương nhận được văn bản trả lời của các cơ quan liên quan đối với việc xác minh.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất