Hành vi bán hàng đa cấp bất chính theo Luật Cạnh tranh

Để các quy định về bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và bán hàng đa cấp bất chính nói riêng được triển khai trong thực tiễn thì có rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích từ phía các cơ quan có thẩm quyền, nhất là từ phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công thương.

Ở Việt Nam, bán hàng đa cấp là một khái niệm mới và lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Luật Cạnh tranh 2004. Trước đó, kiểu kinh doanh này thường được gọi dưới tên “truyền tiêu đa cấp”, “kinh doanh theo mạng”, “tiếp thị đa tầng”. Trên thế giới, phương thức này thường được sử dụng dưới tên gọi “kinh doanh đa cấp” (Multi Level Marketing). Đây là phương thức tiêu thụ sản phẩm do nhà hóa học người Mỹ Karl Ranborg (1887-1973) sáng tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1927 đến năm 1934.

Luật Cạnh tranh 2004 không định nghĩa trực tiếp bán hàng đa cấp là gì mà thay vào đó là đưa ra các điều kiện để xác định ranh giới “chân chính” hay “bất chính”, tức là xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của hoạt động bán hàng này. Nếu hoạt động bán hàng đa cấp đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh thì các thương nhân được phép sử dụng để áp dụng vào chiến lược kinh doanh của mình và Nhà nước sẽ bảo hộ hoạt động đó.

Thế nào là kinh doanh theo phương thức đa cấp?

Tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh và khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP), có hiệu lực từ ngày 02/5/2018 quy định: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia.

Nói cách khác, bán hàng đa cấp được hiểu là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tại khoản 2 Điều này quy định những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:

- Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;

- Sản phẩm nội dung thông tin số.

Như vậy, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;

- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;

- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Nghiên cứu nội dung quy định trên, có thể thấy hành vi bán hàng đa cấp có những dấu hiệu đặc trưng sau:

Thứ nhất, bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa

Dấu hiệu này được thể hiện ở 2 khía cạnh:

Một là, nó là phương thức bán lẻ hàng hóa, nói cách khác, thông qua mạng lưới tiếp thị, doanh nghiệp tổ chức bán hàng đa cấp sẽ thiết lập được mối quan hệ mua bán sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng mà không tốn phí các khoản đầu tư thành lập, duy trì mạng lưới phân phối dưới dạng cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoặc các đại lý phân phối theo pháp luật thương mại. Đồng thời, người tiêu dùng có cơ hội mua được sản phẩm từ gốc sản xuất, tránh những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phân phối như hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả không trung thực... Do đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa được tiếp thị và bán lẻ bằng phương thức đa cấp hoặc chỉ là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa do doanh nghiệp khác sản xuất.

Hai là, bán hàng đa cấp chỉ xảy ra trên thị trường hàng hóa. Quy định tại điểm b, điểm c khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh; khoản 1 Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP đều xác định đối tượng áp dụng của hành vi này là hàng hóa mà không đặt ra đối với thị trường dịch vụ. Có thể do tính chất vô hình của dịch vụ, nên hoạt động của khu vực thị trường này còn rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ, đang được các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, một khi bán hàng đa cấp được hiểu như phương thức tiếp thị để tiêu thụ, thì đương nhiên, hoạt động tiếp thị để cung ứng trong thị trường dịch vụ sẽ không thể là bán hàng đa cấp. Vì thế, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của mạng lưới tiếp thị bảo hiểm đang rầm rộ trên thị trường hiện nay không là bán hàng đa cấp và cũng sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 48[1] Luật Cạnh tranh.

Thứ hai, doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp thị hàng hóa thông qua những người tham gia được tổ chức ở nhiều cấp khác nhau

Người tham gia bán hàng đa cấp được hiểu đơn giản là những cộng tác viên trong việc tiếp thị, bán lẻ hàng hóa cho doanh nghiệp cho dù họ được gọi với những tên gọi như đại lý, nhà phân phối độc lập,... Trong hoạt động của mình, người tham gia thực hiện việc giới thiệu và bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng mà không nhân danh doanh nghiệp. Như vậy, khi giới thiệu và bán lẻ sản phẩm, doanh nghiệp đã không phải là người trực tiếp thiết lập quan hệ với người tiêu dùng mà thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia, cho nên họ độc lập trong quan hệ với khách hàng. Mặt khác, người tham gia bán hàng đa cấp không là nhân viên của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm về hành vi của người tham gia trước khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ giới hạn trong phạm vi chất lượng sản phẩm và các thông tin liên quan đến sản phẩm do họ cung cấp.

Mặt khác, khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, người tham gia không phải là các đại lý phân phối theo quy định của Luật Thương mại, không là các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp thành lập. Luật Cạnh tranh quy định người tham gia tiếp thị hàng hóa tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng mà không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hay của người tham gia (điểm b khoản 11 Điều 3). Theo đó, người tham gia trực tiếp gặp gỡ người tiêu dùng để giới thiệu và bán lẻ sản phẩm, họ không phải đăng ký kinh doanh khi tham gia bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, người tham gia được tổ chức thành những cấp khác nhau theo phương thức: mỗi người tham gia tổ chức một mạng lưới phân phối mới, khi được doanh nghiệp chấp nhận. Mạng lưới mới tạo ra cấp phân phối tiếp sau cấp phân phối của người đã tạo ra chúng. Vì thế số người tham gia ở cấp sau luôn nhiều hơn so với cấp trước nó. Vì vậy, phương thức kinh doanh này đã tạo ra một hệ thống phân phối theo hình tháp. Trong quan hệ nội bộ, người tham gia ở cấp trên có vai trò tổ chức và điều hành hoạt động của những người trong mạng lưới cấp dưới.

Thứ ba, người tham gia được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình và của người tham gia khác trong mạng lưới do họ tổ chức ra.

Cách thức phân chia lợi ích như trên không chỉ kích thích người tham gia tích cực tiêu thụ hàng hóa mà còn kích thích họ tích cực tạo lập hệ thống phân phối cấp dưới. Bán hàng đa cấp có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng như: mua được hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nên tránh được nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đối với doanh nghiệp, bán hàng đa cấp tiết kiệm được chi phí quảng cáo, cắt giảm được hàng loạt các chi phí khác như chi phí thuê mặt bằng trưng bày, chi phí vận chuyển; mặt khác, do mạng lưới phân phối được tổ chức để đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng nên có nhiều thuận lợi trong việc quảng bá hàng hóa một cách trực tiếp và hữu hiệu. Bên cạnh đó, bán hàng đa cấp còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội vì cơ chế hoạt động của phương thức kinh doanh này không giới hạn số lượng người tham gia.

Bán hàng đa cấp “không lành mạnh”

Hoạt động bán hàng đa cấp chỉ bị coi là đối tượng của pháp luật cạnh tranh khi có dấu hiệu không lành mạnh. Xoay quanh những tác hại xấu cho xã hội của nhiều công ty bán hàng đa cấp gây ra trong thời gian qua, đã nổi lên các quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Nhà nước cần phải cấm hình thức hoạt động bán hàng đa cấp bởi nó có quá nhiều khiếm khuyết và bằng chứng là những hậu quả về kinh tế, xã hội mà các vụ việc liên quan đã, đang xảy ra trên thị trường[2].

Quan điểm thứ hai: Nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chức năng đối với bán hàng đa cấp. Theo đó, bán hàng đa cấp chỉ là cách thức được doanh nghiệp sử dụng để tiêu thụ hàng hóa, nên pháp luật cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ và hợp lý, bảo đảm cho nó tồn tại, phát huy hiệu quả và hạn chế các khiếm khuyết. Nhưng khung pháp lý quản lý nó ra sao, vấn đề này cũng có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên coi bán hàng đa cấp như một hành vi thương mại, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thương mại.

Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của nhiều nước và thực tiễn ở nước ta thời gian qua cho thấy, bán hàng đa cấp không là một dạng hoạt động kinh doanh mà chỉ đơn giản là một phương thức tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, không thể coi nó là hành vi thương mại giống như các hành vi quảng cáo, khuyến mại, đại lý hay đại diện thương mại. Ý kiến khác, Nhà nước xây dựng một văn bản pháp luật riêng quy định về hoạt động quản lý nhà nước đối với bán hàng đa cấp, khi có các biểu hiện không lành mạnh sẽ dùng pháp luật cạnh tranh để điều chỉnh. Những người ủng hộ loại ý kiến này lý giải rằng: Hệ thống truyền tiêu đa cấp được xem như cách thức đặc thù để xây dựng mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Nói cách khác, mục đích của doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức bán hàng đa cấp là tạo lập vị thế cạnh tranh của mình trên thương trường. Vì vậy, nó được lý thuyết cạnh tranh xem như một thủ pháp cạnh tranh trong kinh doanh. Một khi hành vi thiết lập hoặc vận hành hệ thống bán hàng đa cấp ẩn chứa trong mình nó những toan tính thiết lập một mạng lưới phân phối ảo, xâm phạm đến lợi ích của những người tham gia, người tiêu dùng và của các doanh nghiệp khác, thì pháp luật cạnh tranh coi là không lành mạnh, cần phải cấm đoán và trừng phạt. Khi đó, pháp luật cạnh tranh xuất hiện để bảo vệ trật tự và sự lành mạnh trong thị trường cạnh tranh. Trên thế giới có nhiều quốc gia quy định một số hành vi kinh doanh đa cấp bị coi là bất chính và thuộc đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh, như: Luật Thương mại lành mạnh của Đài Loan[3]; Luật Cạnh tranh của Canada.

Theo quy định tại Điều 48 Luật Cạnh tranh của Việt Nam, việc bán hàng đa cấp bị coi là bất chính khi thỏa mãn điều kiện cần và đủ sau:

Điều kiện cần: Thực hiện một trong các hành vi như: yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

Điều kiện đủ: Nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới.

Các đặc điểm của bán hàng đa cấp bất chính

Bán hàng đa cấp bất chính mang bản chất của sự chiếm dụng vốn

Theo đó, người muốn tham gia phải trả tiền hoặc phải đặt cọc một khoản tiền để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Những khoản tiền mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp có được từ nghĩa vụ vô lý đã áp đặt cho người muốn tham gia phải thực hiện là những khoản tài chính bất chính mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chiếm dụng được. Chẳng hạn, tại các buổi hội thảo của Công ty Everrichs Global, các nhân viên tư vấn của Công ty giới thiệu rằng khách hàng chỉ cần mua một bộ tài liệu nội bộ cùng sản phẩm của Công ty để được trở thành nhà phân phối, có mã số, được tính điểm và hưởng các gói giải thưởng lên đến cả tỷ đồng. Cụ thể, những người có nhu cầu trở thành nhà phân phối phải mua tập tài liệu giá 160.000 đồng và gói hàng hóa có giá trị lên tới 7.900.000 đồng. Sau đó, để “leo” được lên các cấp cao hơn, các nhà phân phối phải tiếp tục mua các gói sản phẩm có giá trị từ 23.700.000 đồng đến 79.000.000 đồng. Các sản phẩm mà Công ty Everrichs Global  (Khát vọng Việt) kinh doanh là thực phẩm chức năng được quảng bá đem lại sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý cho người dùng như tổ yến chưng Nrid’s Nest Plus, sản phẩm uống TheoMax (ca cao, nhân sâm, linh chi), thực phẩm hỗ trợ tăng, giảm cân Pridi Gold và một số loại khác.

Bán hàng đa cấp bất chính phản ánh chiến lược dồn hàng cho người tham gia

Theo Luật Cạnh tranh, việc dồn hàng cho người tham gia được thực hiện thông qua các hành vi: doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; hoặc không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.

Bán hàng đa cấp bất chính tập trung chủ yếu vào việc lôi kéo, dụ dỗ người tham gia

Theo hệ thống bán hàng đa cấp truyền thống, những người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị, bán lẻ hàng hóa của họ và từ kết quả tiếp thị, bán hàng hóa của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do họ đã xây dựng và bảo trợ trong một phạm vi nhất định. Điều này đã giúp doanh nghiệp bán hàng đa cấp đồng thời đạt được hai mục đích: i) kích thích người tham gia nỗ lực tiếp thị và bán hàng hóa; ii) thúc đẩy người tham gia xây dựng, tổ chức và vận hành mạng lưới cấp dưới có năng lực và hoạt động hiệu quả.

Bán hàng đa cấp bất chính mang tính lừa dối

Việc đưa ra các thông tin gian dối có thể nhằm mục đích sau đây:

- Dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia bằng cách tác động vào bản tính hám lợi của con người thông qua những thông tin về lợi ích của người tham gia đang được hưởng hoặc sẽ được hưởng nếu tham gia;

- Thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm với những thông tin về tính chất công dụng gây ra sự nhầm lẫn để những người tham gia tiếp thị, bán hàng hóa cho người tiêu dùng. Sự lừa dối này không chỉ làm giảm uy tín của người tham gia trước người tiêu dùng mà còn đe dọa đến lợi ích chính đáng của khách hàng, của xã hội, nhất là khi những sản phẩm được tiêu thụ là sản phẩm kém chất lượng.

Tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước về bán hàng đa cấp bất chính

Mỹ: Pháp luật về kinh doanh đa cấp và chống mô hình tháp ảo (kinh doanh đa cấp bất chính) được xem là bộ phận không tách rời của pháp luật bảo về người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ thường căn cứ vào các dấu hiệu sau để phân tích và đánh giá tính hợp pháp của chương trình kinh doanh đa cấp:

Một là, phân tích chương trình kinh doanh trong trạng thái tĩnh để xác định doanh nghiệp quy định trả hoa hồng cho người tham gia nhờ việc bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng thực sự hay chỉ nhờ việc giới thiệu người mới tham gia vào mạng lưới.

Hai là, phân tích chương trình kinh doanh trong trạng thái động để tìm hiểu xem phân phối viên sử dụng thời gian vào việc gì; tuyển người hay bán hàng. Họ xác định, mặc dù phân phối viên có bán hàng và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng nhưng nếu thời gian chủ yếu của phân phối viên được dùng vào việc tuyển người thì chương trình vẫn có thể bị coi là mô hình tháp ảo.

Canada: Kinh doanh đa cấp được ghi nhận tại Điều 55 Luật Cạnh tranh Canada dưới hình thức là quy định cấm mô hình tháp ảo (Pyramid Selling). Pháp luật Canada phân biệt kinh doanh đa cấp chân chính và mô hình tháp ảo dựa vào cách thức kinh doanh của doanh nghiệp, theo đó mục đích của mô hình tháp ảo là lấy tiền của người tham gia và dùng người tham gia để tuyển dụng những người dễ lừa gạt khác. Kinh doanh đa cấp có 6 đặc điểm khác với mô hình tháp ảo là:

Một là, doanh ngiệp kinh doanh đa cấp cung ứng cho thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực sự, tức là sản phẩm của doanh nghiệp phải có thực, sử dụng được và doanh nghiệp ứng dụng kinh doanh đa cấp là để tiêu thụ sản phẩm chứ không phải sản phẩm được sử dụng để làm cho phương thức kinh doanh đa cấp vận hành.

Hai là, nếu đưa ra thông báo về thu nhập của thành viên tham gia mạng lưới, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sẽ cho biết mức thu nhập của một thành viên điển hình và tỷ lệ của những người có mức thu nhập đó.

Ba là, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không thu tiền đối với việc gia nhập và cũng không trả phí tuyển mộ cho phân phối viên.

Bốn là, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không yêu cầu người muốn tham gia phải mua sản phẩm của công ty để được quyền tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp.

Năm là, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không bán cho phân phối viên lượng sản phẩm quá lớn nếu doanh nghiệp biết chắc rằng phân phối viên không thể tiêu thụ hết lượng sản phẩm đó.

Sáu là, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có chính sách mua lại sản phẩm từ phân phối viên một cách công bằng và trong một khoảng thời gian hợp lý.

Tuy nhiên, khi xác định các dấu hiệu “điều kiện đủ” để kết luận về tính bất chính của sự vi phạm, pháp luật của Nhà nước ta xác định sự bất chính dựa vào mục đích của các hành vi vi phạm là nhằm thu lợi bất chính, song lại chưa làm rõ thế nào là nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo tác giả, rất cần làm rõ mục đích thu lợi bất chính. Mục đích thu lợi thuộc phạm trù chủ quan, nếu coi nó là một trong hai căn cứ pháp lý (điều kiện cần và đủ) để kết luận có hay không có sự vi phạm, pháp luật cần đưa ra được những dấu hiệu pháp lý cụ thể, rõ ràng, khách quan và thống nhất. Nếu không, sự suy đoán của người thực thi pháp luật khi kết luận về mục đích của hành vi sẽ làm sai lệch hiệu quả của pháp luật và dễ dàng tạo ra sự tùy tiện khi áp dụng pháp luật. Mục đích thu lợi bất chính có nhất thiết đã đạt được hay chưa? Luật Cạnh tranh chỉ sử dụng cụm từ cấm thực hiện những hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Nếu đòi hỏi mục đích thu lợi đã đạt được, điều tra viên vụ việc phải xác định chính xác, cụ thể các khoản lợi mà doanh nghiệp đã thu được từ hành vi bất chính. Ngược lại, nếu không đòi hỏi mục đích đã hoàn thành, mà chỉ coi như là dự định, mong muốn của doanh nghiệp khi thực hiện hành vi, thì pháp luật cũng cần phải có cơ sở xác thực để kết luận về mục đích của hành vi, bởi mục đích mới chỉ tồn tại trong ý chí chủ quan của người vi phạm. 

Mặt khác, Luật Cạnh tranh chưa xác định được các khoản lợi bất chính mà doanh nghiệp muốn thu được là lợi ích vật chất hay phi vật chất. Xem xét các hành vi vi phạm mà Điều 48 Luật này liệt kê, có trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tốn tiền khi thực hiện hành vi, ví dụ như cho người tham gia nhận hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích vật chất khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Do đó, việc xác định các khoản lợi bất chính là vật chất sẽ không đơn giản. Theo Từ điển tiếng Việt (Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, năm 1998, tr 47) bất chính được hiểu là trái với đạo đức, không chính đáng. Xác định tính trái đạo đức, không chính đáng của các khoản lợi, người ta cần phải dựa vào nguồn gốc của chúng. Có nghĩa là, phải trả lời được câu hỏi, doanh nghiệp có thể thu được các khoản lợi từ đâu?

Kiến nghị

Một là, cần phải có quy chế về minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm được tiêu thụ theo phương thức bán hàng đa cấp và xác định trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể có liên quan trong việc xây dựng, truyền bá thông tin, bao gồm doanh nghiệp và người tham gia; Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ bảo hành sản phẩm do doanh nghiệp bán hàng đa cấp cung cấp đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp phân phối sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài. Nói cách khác, các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm tổ chức mạng lưới đa cấp và thực hiện việc bán hàng đa cấp thông qua các công ty trong nước. Thông thường, các công ty trong nước sẽ ký các hợp đồng phân phối độc quyền với công ty nước ngoài, sau đó dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài do doanh nghiệp sản xuất gửi đến, công ty phân phối của Việt Nam sẽ thiết lập mạng lưới đa cấp và đào tạo đội ngũ người tham gia cũng như thúc đẩy sự vận hành của mạng lưới này. Cách thức tổ chức theo kiểu liên kết như trên đã giúp cho các nhà sản xuất nước ngoài thoát được mọi trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ cũng như các trách nhiệm khác đối với mạng lưới bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, tính độc lập trong hoạt động của người tham gia đặt ra một vài vấn đề cho việc xác định trách nhiệm. Trong bán hàng đa cấp, người tham gia tiến hành tiếp thị để bán lẻ sản phẩm một cách độc lập. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ chỉ biết đến người đã trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm cho họ, là người tham gia. Do đó, việc đổ trách nhiệm qua lại giữa người tham gia và doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc yêu cầu cần phải có quy chế về minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm được tiêu thụ theo phương thức bán hàng đa cấp và xác định trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể có liên quan là hoàn toàn có cơ sở. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ bảo hành sản phẩm do doanh nghiệp bán hàng đa cấp cung cấp đến người tiêu dùng.

Hai là, đảm bảo tính thống nhất khi quy định về bán hàng đa cấp bất chính giữa các văn bản pháp luật.

Khoản 3 Điều 48 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp “cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”; điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định cấm: “Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó”.

Theo quy định tại hai văn bản này đã cho thấy sự không thống nhất và từ đó chắc chắn sẽ tạo ra sự không nhất quán trong việc áp dụng. Tuy nhiên, nếu xét về mặt hiệu lực pháp luật thì Luật Cạnh tranh có hiệu lực cao hơn Nghị định 40/2018/NĐ-CP, do đó, trường hợp có mâu thuẫn thì điều khoản trong Luật Cạnh tranh sẽ được ưu tiên áp dụng.

Mặc dù vậy, dưới góc độ thực tiễn, việc xác định thế nào là một hành vi “dụ dỗ” là rất khó, đòi hỏi cần có những quy định mang tính định lượng, từ đó có sự thống nhất trong quá trình áp dụng quy định này. Không ai có thể xác định việc phân phối viên giới thiệu về những lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cho người muốn tham gia có phải là hành vi dụ dỗ người đó tham gia mạng lưới hay không. Mặt khác, đặc trưng của bán hàng đa cấp là phân phối viên có quyền được hưởng một khoản hoa hồng từ kết quả tiêu thụ sản phẩm của mạng lưới phân phối tuyến dưới của mình nên bất cứ người muốn tham gia nào cũng hứa hẹn đem lại lợi ích cho phân phối viên đã giới thiệu họ tham gia. Hơn nữa, thực tế hầu hết người mới tham gia nhập mạng lưới, tuy không bị ép buộc nhưng vẫn mua một số lượng sản phẩm để dùng thử nên ngay lập tức, người bảo trợ sẽ được hưởng tiền hoa hồng từ số sản phẩm đó. Do đó, chỉ có thể khẳng định cách thức trả thưởng của bán hàng đa cấp bất chính khác bán hàng đa cấp chân chính ở chỗ nó cho phép người tham tham gia được hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc tuyển dụng người khác hơn là từ việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng thực sự. Bên cạnh đó, việc xác định hành vi ép buộc người tham gia phải mua sản phẩm mới được trở thành phân phối viên cũng rất khó, bởi công ty thường “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau (phân phối viên trước ép phân phối viên mạng lưới), chứ không phải chủ trương của công ty.

Ba là, hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại do bán hàng đa cấp bất chính gây ra.

Để các quy định về bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và bán hàng đa cấp bất chính nói riêng được triển khai trong thực tiễn thì có rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích từ phía các cơ quan có thẩm quyền, nhất là từ phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công thương. Trong đó, một số vấn đề sau đây cần lưu ý:

Đầu tiên, chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bán hàng đa cấp bất chính gây ra là ai. Theo nguyên tắc chung, bất cứ ai bị thiệt hại bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều có quyền được yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, bán hàng đa cấp bất chính có thể gây thiệt hại cho nhiều chủ thể khác nhau, cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Trong thực tế, chủ yếu những người đóng vai trò “phân phối viên” là những chủ thể bị thiệt hại trực tiếp, còn người tiêu dùng thường cũng chính là những “phân phối viên” là những người thiệt hại gián tiếp. Vì vậy, pháp luật cần phải có quy định rõ hơn về quyền yêu cầu khởi kiện của chủ thể.

Dưới khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo kinh nghiệm ở nhiều nước theo mô hình luật cạnh tranh hiện đại, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ mình, huy động mọi lực lượng xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ người tiêu dùng, cần tăng tính chuyên nghiệp hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng từ phía các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thừa nhận cơ chế khởi kiện tập thể của người tiêu dùng với sản phẩm hoặc một nhóm các sản phẩm của một nhà kinh doanh vì các lý do sau:

- Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp người tiêu dùng có sức mạnh đáng kể trong quá trình đàm phán, thương lượng với nhà kinh doanh (nhà sản xuất). Trong trường hợp phải giải quyết tranh chấp tại tòa án, cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành phương thức bồi thường và các mức bồi thường trong từng lĩnh vực tiêu dùng.

- Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp cho người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận công lý vào loại bỏ được những rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Cơ chế khởi kiện tập thể thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp người tiêu dùng không phải chịu chi phí quá lớn để tiếp cận công lý. Với vai trò là người bảo trợ, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp họ với nhiều phương thức và cơ chế hỗ trợ đa dạng như: test miễn phí tại các trung tâm giám định của tổ chức, trợ giúp kinh phí theo phương thức hoàn trả sau, hỗ trợ tư vấn...

Bốn là, hoàn thiện quy định khiếu kiện hành chính đối với quy định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Khoản 1 Điều 115 Luật Cạnh tranh quy định: “Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án:“Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Việc giải quyết đơn khiếu kiện tại tòa án đối với quyết định giải quyết khiếu nại cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện theo pháp luật tố tụng hành chính. Vấn đề đặt ra là tòa án sẽ xem xét lại toàn bộ vụ việc từ đầu, xem xét lại cả nội dung và thủ tục cạnh tranh đã được áp dụng bởi các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh hay chỉ xem xét về mặt hình thức?… Điều này thiết nghĩ, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý cạnh tranh với tòa án trong việc xem xét, giải quyết đơn khởi kiện.

Ths. LS Lê Văn Sua

Nguồn: Tạp chí Môi trường và Xã hội

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6672 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;