Xuất phát từ tính chất công việc, phạm vi quyền hạn mà người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm rất lớn. Vì vậy, một số DN quan tâm liệu rằng DN có thể có hơn một người đại đại diện theo pháp luật để san sẻ trách nhiệm hay không?
1. Người đại diện theo pháp luật là gì?
Pháp luật doanh nghiệp đưa ra định nghĩa về người đại diện theo pháp luật tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật được không? (ảnh minh họa)
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm trong việc nhân danh doanh nghiệp thực hiện các giao dịch với các chủ thể khác. Mỗi doanh nghiệp đều có người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ trên.
2. Số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà có số lượng người đại diện theo pháp luật khác nhau. Cụ thể:
+ Đối với Doanh nghiệp tư nhân thì chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chính là người đại diện theo pháp luật của công ty.
+ Đối với Công ty hợp danh thì tất cả các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật của Công ty. Họ được pháp luật quy định quyền đối nhân trong công ty hợp danh để tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Đối với Công ty Cổ phần và Công ty Trách nhiệm hữu hạn được quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành cho phép Công ty Cổ phần và Công ty Trách nhiệm hữu hạn có quyền có hơn một (01) người đại diện theo pháp luật tùy thuộc vào nhu cầu của công ty mà quy định cụ thể trong điều lệ của công ty đó. Vì có nhiều người đại diện theo pháp luật nên đòi hỏi sự phân định về trách nhiệm liên đới hay riêng lẻ của các đại diện theo pháp luật và phạm vi đại diện của các đại diện theo pháp luật trong việc xác lập giao dịch nhân danh doanh nghiệp. Điều lệ công ty cần quy định chặt chẽ để tránh chồng chéo về thẩm quyền của mỗi người, tạo hiệu quả quản lý trong nội bộ doanh nghiệp.
Việc có hơn 01 người đại diện theo pháp luật có ưu, nhược điểm khác nhau. Các doanh nghiệp cần phải cân nhắc để lựa chọn. Cụ thể:
- Ưu điểm: Khi có nhiều đại diện theo pháp luật thì công việc được chia sẽ, tận dụng cơ hội tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề của công ty. Khi một người đại diện theo pháp luật không có mặt ở Việt Nam hoặc không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ thay mặt cho doanh nghiệp thì sẽ có người khác thực hiện thay. Có nhiều đại diện giúp giải quyết và quyết định các vấn đề thường trực của công ty.
- Nhược điểm: Việc có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ khiến cho đối tác khó khăn trong xác định chủ thể để thực hiện giao dịch. Có thể xảy ra tình trạng đối tác làm việc với hai người đại diện theo pháp luật vào hai thời điểm khác nhau khiến không nhất quán trong việc thực hiện giao dịch gây khó khăn khi hợp tác. Chính vì việc có nhiều người đại diện làm cho đối tác gặp khó khăn trong việc giao dịch và ký kết hợp đồng dẫn đến tình trạng đối tác e ngại khi hợp tác.
Do đó, mỗi quy định pháp luật thì có thể mang đến những thuận lợi và bất lợi nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc để quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình.
Lưu ý: Dù là doanh nghiệp có một hay nhiều người đại diện theo pháp luật thì vẫn phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Cơ sở pháp lý:
Long Bình
- Từ khóa:
- Luật Doanh nghiệp 2014