Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước (mới nhất)

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Chào bán trái phiếu riêng lẻ, Nghị định 153/2020/NĐ-CP

Chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước phải đảm bảo những điều kiện gì? (Ảnh minh họa)

Theo đó, điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Cụ thể có 03 nhóm điều kiện dành cho 03 loại trái phiếu khác nhau:

- Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

  • Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

  • Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này;

  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này;

  • Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

- Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này.

- Đối với phiếu chuyển đổi hoặc trái chào bán trái phiếu kèm chứng quyền:

  • Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần;

  • Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP;

  • Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

  • Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất;

  • Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định 153/2020/NĐ-CP còn quy định về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ thành nhiều đợt tại Điều 10. Theo đó, doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Các điều kiện chào bán quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP;

  • Có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP;

  • Có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.

Lưu ý: Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

So với Nghị định 163/2018/NĐ-CP trước đây, những điều kiện này chỉ có một vài thay đổi nhỏ. Tại Nghị định 163, để được phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, ngoài những điều kiện kể trên thì doanh nghiệp còn bị ràng buộc bởi quy định: Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, đối với việc phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền thì điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định 163 quy định: Trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu không được chuyển nhượng trong tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng cho hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hiện nay, Nghị định 153/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP) đã loại bỏ 02 quy định này. Từ đó thấy rằng điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước theo pháp luật hiện tại có phần dễ dàng hơn so với trước.

Lưu ý: Nghị định 153/2020/NĐ-CP không điều chỉnh việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tại thị trường trong nước theo quy định Luật Chứng khoán 2019.

Trên đây là toàn bộ các điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp Quý khách hàng và Thành viên của THƯ KÝ LUẬT hiểu thêm về quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chứng khoán. 

Lê Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
516 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;