Đầu tư công là gì? Phân loại dự án đầu tư công

Xin hỏi đầu tư công là gì? Phân loại dự án đầu tư công được quy định thế nào? - Hình Trung (TP.HCM)

Đầu tư công là gì? Phân loại dự án đầu tư công

Đầu tư công là gì? Phân loại dự án đầu tư công (Hình từ Internet)

1. Đầu tư công là gì?

Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định Luật Đầu tư công 2019.

2. Phân loại dự án đầu tư công

Tại Điều 6 Luật Đầu tư công 2019 quy định về việc phân loại dự án đầu tư công như sau:

- Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

- Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

- Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản 3 Luật Đầu tư công 2019.

Lưu ý: Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 Luật Đầu tư công 2019.

3. Tiêu chí phân loại dự án nhóm A

Tại Điều 8 Luật Đầu tư công 2019 quy định về tiêu chí phân loại dự án nhóm A như sau:

Trừ dự án quan trọng quốc gia quy định tại Mục 3, dự án thuộc một trong các tiêu chí sau đây là dự án nhóm A:

- Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật;

+ Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ;

+ Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ;

+ Công nghiệp điện;

+ Khai thác dầu khí;

+ Hóa chất, phân bón, xi măng;

+ Chế tạo máy, luyện kim;

+ Khai thác, chế biến khoáng sản;

+ Xây dựng khu nhà ở;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Giao thông, trừ dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;

+ Thủy lợi;

+ Cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

+ Kỹ thuật điện;

+ Sản xuất thiết bị thông tin, điện tử;

+ Hóa dược;

+ Sản xuất vật liệu, trừ dự án quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;

+ Công trình cơ khí, trừ dự án quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;

+ Bưu chính, viễn thông;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

+ Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;

+ Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới;

+ Công nghiệp, trừ dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Y tế, văn hóa, giáo dục;

+ Nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình;

+ Kho tàng;

+ Du lịch, thể dục thể thao;

+ Xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở quy định tại điểm g khoản 2 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;

+ Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trừ dự án quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Đầu tư công 2019.

4. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A

Tại Điều 24 Luật Đầu tư công 2019 quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

+ Giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

+ Thành lập Hội đồng thẩm định do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công cấp tỉnh là Thường trực Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan là thành viên để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;

+ Chỉ đạo cơ quan quy định tại điểm a khoản này hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, dự kiến kế hoạch bố trí vốn.

4. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA

Tại Điều 25 Luật Đầu tư công 2019 quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như sau:

- Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.

- Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan và đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án, đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, sơ bộ tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, lựa chọn đề xuất chương trình, dự án phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án.

- Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại các điều 19, 20 và 21 Luật Đầu tư công 2019.

- Đối với chương trình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư công 2019.

- Đối với dự án nhóm A, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư công 2019

- Đối với chương trình, dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công 2019, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định như sau:

+ Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trình Thủ tướng Chính phủ;

+ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư

- Đối với chương trình, dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 17 Luật Đầu tư công 2019, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định như sau:

+ Cơ quan chủ quản lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

+ Căn cứ ý kiến của các cơ quan, cơ quan chủ quản tổ chức thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.

- Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại và không gắn với khoản vay thì không phải lập đề xuất dự án.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2830 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;