Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp và mã số này không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác. Vậy pháp luật hiện nay quy định thế nào về mã số doanh nghiệp?
- Quy định cần biết về mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mã số địa điểm kinh doanh
- Mã số doanh nghiệp là gì? Quy định về mã số doanh nghiệp
- Mã số doanh nghiệp có phải là mã số thuế?
- Yêu cầu chi tiết về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử từ năm 2021
- Năm 2021, thay đổi thông tin người quản lý DN không phải thông báo
Chính thức quy định mã số doanh nghiệp là mã số đơn vị tham gia BHXH (Ảnh minh họa)
Trước đây, tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định: Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được ban hành vào ngày 04/01/2021, thay thế cho Nghị định 78/2015/NĐ-CP lại quy định khác về nội dung này như sau:
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số bảo đơn vị tham gia hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mã số doanh nghiệp vừa là mã số thuế, vừa là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Thật ra quy định này trước đây đã được đề cập tại Nghị định 122/2020/NĐ-CP, ban hành vào ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Cụ thể, nhằm thực hiện quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội, Điều 5 Nghị định 122 ghi nhận:
Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.
Khi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Có thể thấy, đồng bộ mã số doanh nghiệp thành mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội là một biện pháp giúp thực hiện công tác liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp mã số BHXH.
Bên cạnh đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP còn quy định về mã số địa điểm kinh doanh, đây là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999 và mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định này còn nêu nhiều nội dung mới đáng chú ý khác về mã số doanh nghiệp so với Nghị định 78 như:
- Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện (quy định mới);
- Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp (bổ sung thêm nhiều loại giấy tờ mới).
Tóm lại, Chính phủ đã ghi nhận mã số doanh nghiệp là mã số đơn vị tham gia BHXH từ ngày 15/10/2020 nhưng đến ngày 04/01/2021, Nghị định 01/2021/NĐ-CP mới chính thức quy định một cách tường minh tại Điều 8. Các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện theo đúng pháp luật.
Lê Thanh