Bên cạnh Luật An ninh mạng 2018, sáng 12/6/2018, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 95,28%. Theo đó, các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh, xử lý vi phạm cạnh tranh có nhiều thay đổi.
Luật Cạnh tranh sửa đổi được thông qua gồm 10 Chương và 118 Điều với những thay đổi đáng chú ý như:
1. Bổ sung thêm trường hợp được xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Cụ thể là trường hợp thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thoả thuận.
Ngoài ra, so với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã có điều luật dự phòng các hành vi thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đều có thể bị xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
2. Cấm cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường
Luật mới cấm cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường như: Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.
Đồng thời, cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
3. Áp dụng chương trình khoan hồng cho các doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh
Đây là quy định mới hoàn toàn so với Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, Doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện khai báo giúp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chương trình khoan hồng.
Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng gồm: Thứ tự khai báo; thời điểm khai báo; mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.
4. Quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019, thay thế Luật Cạnh tranh 2004.