Các nguyên tắc của hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty quản lý quỹ

Xin cho tôi hỏi hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty quản lý quỹ phải tuân thủ các nguyên tắc như thế nào? - Đăng Long (Bình Định)

Các nguyên tắc của hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty quản lý quỹ

Các nguyên tắc của hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty quản lý quỹ  (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Công ty quản lý quỹ là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 99/2020/TT-BTC, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

2. Các nguyên tắc trong hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty quản lý quỹ

Cụ thể tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 99/2020/TT-BTC, hoạt động kiểm toán nội bộ của công ty quản lý quỹ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ và hoạt động của bộ phận này độc lập với các bộ phận và hoạt động khác của công ty quản lý quỹ, không chịu sự quản lý của Ban điều hành công ty quản lý quỹ. Nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ không được kiêm nhiệm làm việc tại các bộ phận khác của công ty quản lý quỹ;

- Khách quan: kiểm toán nội bộ phải khách quan, công bằng, không định kiến, không tác động, không bị can thiệp khi thực hiện nhiệm vụ của mình;

- Trung thực: công tác kiểm toán nội bộ phải được thực hiện một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm;

- Phối hợp: bộ phận kiểm toán nội bộ được toàn quyền tiếp cận không hạn chế các thông tin, tài liệu của công ty. Thành viên Ban điều hành và toàn bộ nhân viên của công ty quản lý quỹ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan, theo yêu cầu của bộ phận kiểm toán nội bộ.

Các bộ phận trong công ty có trách nhiệm thông báo cho bộ phận kiểm toán nội bộ khi phát hiện những yếu kém, tồn tại, các sai phạm, rủi ro hoặc thất thoát lớn về tài sản của công ty hoặc của khách hàng;

- Bảo mật: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ có trách nhiệm bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán, ngoại trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Trách nhiệm của Bộ phận kiểm toán nội bộ

Bộ phận kiểm toán nội bộ có trách nhiệm sau đây:

- Kiểm tra, đánh giá cơ cấu tổ chức, hoạt động quản trị công ty, hoạt động điều hành, phối hợp của từng bộ phận, từng vị trí công tác nhằm ngăn ngừa các xung đột lợi ích, bảo vệ quyền lợi của khách hàng;

- Kiểm tra, đánh giá mức độ đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả, mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định tại Điều lệ công ty; hệ thống kiểm soát nội bộ; các chính sách, quy trình nội bộ, bao gồm quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, quy trình nghiệp vụ, quy trình và hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ thông tin, kế toán, quy trình và hệ thống báo cáo, công bố thông tin, quy trình tiếp nhận và xử lý tố cáo, khiếu kiện từ khách hàng và các quy định nội bộ khác;

- Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp, tính trung thực, mức độ cẩn trọng, tuân thủ các quy trình nghiệp vụ và quản trị rủi ro;

- Thực hiện việc kiểm toán hoạt động theo kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm. Kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

+ Kiểm toán nội bộ được thực hiện hằng năm và đột xuất;

+ Các hoạt động, quy trình, bộ phận phải được đánh giá mức độ rủi ro theo quy định nội bộ của công ty. Các hoạt động, quy trình, bộ phận có mức độ rủi ro cao được tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện kiểm toán trước và được kiểm toán tối thiểu mỗi năm một lần;

+ Kế hoạch kiểm toán định kỳ hằng năm phải được điều chỉnh khi có thay đổi về mức độ rủi ro của các hoạt động, quy trình, bộ phận;

- Thực hiện kiểm toán toàn bộ hoạt động của tất cả các bộ phận trong công ty tối thiểu hai năm một lần;

- Kiến nghị các giải pháp hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công ty; theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán đã được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty phê duyệt.

(Khoản 2 Điều 5 Thông tư 99/2020/TT-BTC)

Trần Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
741 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;