Các chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Ngày 11/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP 2020 quy định về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020. Các chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là một nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết này.

hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị quyết 129/NQ-CP

Các chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Nghị quyết 129/NQ-CP, Chính phủ đã nhận định nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Cụ thể, thực trạng tình hình kinh tế trong nước hiện nay như sau:

  • Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống;

  • Nguy cơ người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập gia tăng mạnh;

  • Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng thấp;

  • Một số ngành giảm sâu do chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa phục hồi hoàn toàn và cầu thế giới giảm mạnh;

  • Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chững lại. 

Từ việc nhìn nhận được những khó khăn này, Chính phủ đã đề ra các phương án cũng như quy định cụ thể các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các phương án này để hỗ trợ doanh nghiệp với mục đích khôi phục và phát triển nền kinh tế bước ra khỏi giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của Covid – 19.

Các chính sách cụ thể như sau:

1. Mở rộng phạm vi thời gian các khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp

Cụ thể, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm:

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô;

- Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN trước ngày 30 tháng 9 năm 2020 và các quy định liên quan theo hướng mở rộng phạm vi thời gian các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp

Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp như sau:

  • Tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19;

  • Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế.

3. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để thực hiện chính sách này, Bộ Tài chính có trách nhiệm khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Xuất phát từ mục đích ban đầu của công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương án đẩy nhanh tiến trình này giúp doanh nghiệp có cơ hội và môi trường thuận lợi để tự do cạnh tranh và phát triển.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN để ban hành kịp thời, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vay vốn do bị tác động bởi dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

5. Xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để xúc tiến thương mại

Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương để xây dựng chương trình hành động, kế hoạch xúc tiến thương mại. Cụ thể:

  • Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng;

  • Kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh thị trường trong nước với các giải pháp, chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nông sản...;

  • Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh Việt Nam là một nước đang phát tiển, nền kinh tế còn đang đối mặt với không ít trở ngại, thách thức, sự ảnh hưởng của Covid-19 đã tạo ra thêm không ít khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là một trong những phương án để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bởi lẽ, các doanh nghiệp là đầu tàu, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng của nền kinh tế.

Thùy Trâm

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1141 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;