Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp 2020 . Luật này có 10 chương và 219 điều.
- Bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông từ ngày 01/01/2021
- Luật Doanh nghiệp 2020: Thay đổi tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước
Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp từ 01/01/2021 - Ảnh minh họa
Hiện nay, tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam cụ thể như sau:
-
Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
-
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
-
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
-
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
-
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
-
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, tại điểm g Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là:
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp 2020 đã có bước tiến mới về giảm thiểu thủ tục hành chính, bằng việc cho phép doanh nghiệp được dùng chữ ký điện tử thay cho con dấu khắc và không cần phải đăng ký con dấu trên cổng thông tin quốc gia trước khi sử dụng, cụ thể:
Điều 43. Dấu của doanh nghiệp
1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp;
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có con dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021, nhà nước sẽ siết chặt hơn về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hiện nay.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Luật Doanh nghiệp 2020