Báo cáo tài chính và những điều cơ bản doanh nghiệp cần phải biết

Các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tài chính nộp cơ quan nhà nước định kỳ để cơ quan nhà nước có thể quản lý, kiểm soát hoat động kinh doanh của mình. Dưới đây là báo cáo tài chính và những điều cơ bản doanh nghiệp cần phải biết.

Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính và những điều cơ bản doanh nghiệp cần phải biết (Ảnh minh họa)

1. Báo cáo tài chính là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán quy định báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Trên thực tế, có thể hiểu báo cáo tài chính là báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cũng như tình hình tài chính, kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo kế toán tài chính là phương tiện trình bày khả năng sinh lời và thực trạng tài chính của doanh nghiệp cho những người quan tâm (chủ doanh nghiệp nhà đầu tư, nhà cho vay, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng,…)

Như vậy, báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng và là căn cứ quan trọng đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

2. Mục đích của báo cáo tài chính

Dựa vào nội dung báo cáo tài chính theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có thể thấy báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Theo đó, báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

  • Tài sản;

  • Nợ phải trả;

  • Vốn chủ sở hữu;

  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;

  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;

  • Các luồng tiền;

  • ...

>> Mời Quý khách hàng và thành viên xem thêm bài viết Tổng hợp biểu mẫu báo cáo tài chính đúng chuẩn theo Thông tư 200.

3. Đối tượng phải lập báo cáo tài chính

Theo tại Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định đối tượng thuộc diện phải lập báo cáo tài chính bao gồm:

Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm: Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế (báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ).

Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):

  • Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;

  • Các doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (không bắt buộc).

Lưu ý: Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

Lưu ý: Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Các nội dung phải công khai của báo cáo tài chính

Theo Điều 31 Luật Kế toán quy định một số nội dung của báo cáo tài chính phải công khai bao gồm:

  • Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

  • Kết quả hoạt động kinh doanh;

  • Trích lập và sử dụng các quỹ;

  • Thu nhập của người lao động;

  • Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện việc công khai báo cáo tài chính theo một trong số các hình thức: phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản; niêm yết; đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

5. Thời hạn nộp báo cáo tài chính

Tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định thời hạn nộp Báo cáo tài chính cụ thể như sau:

Đối với doanh nghiệp nhà nước

* Thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý:

  • Đơn vị kế toán phải nộp báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;

  • Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

* Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:

  • Đơn vị kế toán phải nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;

  • Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

Đối với các loại doanh nghiệp khác

  • Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;

  • Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

6. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính

Theo Điều 11 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính cụ thể như sau:

Hành vi vi phạm

Mức phạt

Biện pháp khắc phục hậu quả

- Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định;

- Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.

5.000.000 - 10.000.000 đồng

Không

- Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định;

- Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.

10.000.000 - 20.000.000 đồng

Không

- Không lập báo cáo tài chính theo quy định;

- Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;

- Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

20.000.000 - 30.000.000 đồng

Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán

- Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

40.000.000 - 50.000.000 đồng

Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2437 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;