Bán hàng qua mạng: Phạt đến 30 triệu đồng hành vi tự ý lấy thông tin khách hàng

Người nào có hành vi tự ý thu thập thông tin khách hàng mà không được phép có thể bị phạt rất nặng, mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng. Điều này đã được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020.

bán hàng qua mạng, Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Bán hàng qua mạng: Phạt đến 30 triệu hành vi tự ý lấy thông tin khách hàng (Ảnh minh họa)

1. Mức phạt cho hành vi tự ý lấy thông tin khách hàng mà không được phép

Hiện nay, có rất nhiều người tham gia hoạt động bán hàng qua các trang mạng bởi vì hàng tá các tiện ích mà nó mang lại. Người mua chỉ việc cung cấp một vài thông tin và số điện thoại là có thể đặt hàng. Tuy nhiên, một số trang mạng lại có hành vi tự ý lấy thông tin khách hàng mà không có sự cho phép. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như nhằm răn đe, cảnh cáo các trang mạng có hành vi moi móc thông tin khách hàng, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt cho hành vi này như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây.

  • Thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin;

  • Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác;

  • Sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo.

Bên cạnh đó, chủ thể vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử (không được phép bán hàng qua mạng) từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ các hành vi vi phạm trên.

Một số trang bán hàng online hiện nay yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh thư, số điện thoại) để có thể truy cập đến mặt hàng mình muốn mua. Sau đó họ lại dùng các dữ liệu này cung cấp cho bên thứ ba đang cần dữ liệu khách hàng một cách bất hợp pháp, từ đó làm rò rỉ thông tin khách hàng. Như vậy, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt nặng cho hành vi này, số tiền phạt có thể lên đến 30 triệu đồng.

2. Các quy định khác về xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử

Theo đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP còn quy định các mức phạt khác, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Xây dựng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân không đúng quy định;

  • Không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tại vị trí dễ thấy trên website thương mại điện tử.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Không hiển thị rõ ràng cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin;

  • Không tiến hành kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, hủy bỏ thông tin cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể thông tin;

  • Không có cơ chế để chủ thể thông tin bày tỏ sự đồng ý một cách rõ ràng khi tiến hành thu thập thông tin, thông qua các chức năng trực tuyến trên website, thư điện tử, tin nhắn, hoặc những phương thức khác theo thỏa thuận giữa hai bên;

  • Không có cơ chế riêng để chủ thể thông tin được lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ trong những trường hợp: chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho một bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin cá nhân để gửi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và các thông tin có tính thương mại khác.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Không thiết lập cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo;

  • Không xây dựng, ban hành hoặc không thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng;

  • Không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng trên website có chức năng thanh toán trực tuyến.

Có thể thấy, Chính phủ đã quy định các quy định xử phạt trên một cách khá hoàn chỉnh, dự liệu được những rủi ro tiềm năng về vấn đề an toàn thông tin của khách hàng. Trên cơ sở rất nhiều dữ liệu khách hàng bị rò rỉ hiện nay (điển hình là tình trạng nhiều người bị các đối tượng mạo danh là nhân viên đến từ các trang bán hàng online lớn lừa đảo) thì việc đặt ra các quy định này thật sự cần thiết, bởi các quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thúc đẩy các trang bán hàng online cải thiện chính sách bảo mật của mình, từ đó cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất và an toàn nhất.

Căn cứ pháp lý:

- Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Nguyên Phú

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3010 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;