Buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Theo đó, các đối tượng thực hiện hành vi này nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạt hành chính. Vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính được xác định thế nào?
Bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác, các hành vi vi phạm được xác định như sau:
-
Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
-
Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
-
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
-
Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Các đối tượng thực hiện hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền với mức xử phạt được xác định căn cứ vào giá trị hàng hóa vi phạm như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
-
Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
-
Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh mức phạt tiền nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp hình thức xử phạt bổ sung hoặc bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng nếu hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế,... Tức những hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường sẽ bị xử phạt với mức gấp đôi mức xử phạt đối với những hàng hóa thông thường. Việc quy định mức xử phạt “mạnh tay hơn” bởi hành vi này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP