Ai được phép mua bán máy ghi âm, ghi hình ngụy trang?

Tại Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, chỉ có 03 nhóm đối tượng mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị, gồm:

 

  • Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an;
  • Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân;
  • Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Như vậy hoạt động mua bán thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị cũng như việc sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ hay cho thuê, sửa chữa phải nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật, người quản lý, chủ cơ sở kinh doanh hoặc người được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự (ANTT) của cơ sở kinh doanh về thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, TRỪ các đối tượng sau:

  • Đối với người Việt Nam:
    • Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử;
    • Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích;
    • Đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù;
    • Đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ;
    • Đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT;
    • Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
    • Có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định;
    • Đang nghiện ma túy;
    • Đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
    • Đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài;
  • Người nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

Cũng theo Dự thảo Nghị định, các hành vi sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra, còn nghiêm cấm:

  • Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT;
  • Lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến ANTT;
  • Cho mượn, cho thuê, mua bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT;
  • Làm giả giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT;
  • Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị trái phép;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn để không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT trái với quy định; cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh.

Theo nội dung Tờ trình của Bộ Công an, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị trong những năm vừa qua diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, ANTT của đất nước.

Qua công tác quản lý, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị. Điển hình có vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker, thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật… Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi cài đặt trái phép trên thiết bị điện tử, máy tính là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó việc xây dựng các quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết.

Hiện Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Dự kiến Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]
884 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;