9 điểm mới nổi bật về đầu tư kinh doanh áp dụng từ 01/01/2021

Sắp tới, Luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực. Theo đó, nhiều chính sách về đầu tư kinh doanh sẽ thay đổi so với hiện hành. Dưới đây là 9 điểm mới nổi bật về đầu tư kinh doanh áp dụng từ 01/01/2021.

đầu tư kinh doanh, Luật Đầu tư 2020

9 điểm mới nổi bật về đầu tư kinh doanh áp dụng từ 01/01/2021 (Ảnh minh họa)

1. Cấm hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

  • Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh mại dâm;

  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

  • Kinh doanh pháo nổ;

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trong khi đó, tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014 quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, sẽ chính thức cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Thêm điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải có các nội dung sau đây:

  • Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

  • Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

  • Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;

  • Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);

  • Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;

  • Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).

Đặc biệt, điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:

  • Giấy phép;

  • Giấy chứng nhận;

  • Chứng chỉ;

  • Văn bản xác nhận, chấp thuận;

  • Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó chỉ cần được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia mà không có thêm bất kỳ điều kiện nào.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, nhà đầu tư khi đầu tư các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần chú ý thêm các điều kiện đầu tư kinh doanh để thực hiện hoạt động đầu tư đúng quy định của pháp luật.

3. Giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 quy định danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định 227 ngành nghề.

Trong khi đó, tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 quy định 268 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 268 ngành xuống còn 227 ngành). Theo đó, một số ngành nghề cụ thể sau từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện:

  • Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại;

  • Hoạt động dạy nghề;

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

  • Nhượng quyền thương mại;

  • Kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc;

  • Kinh doanh than;

  • ...

4. Ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường sẽ do Chính phủ công bố

Tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;

  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Lưu ý: Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

  • Hình thức đầu tư;

  • Phạm vi hoạt động đầu tư;

  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Có thể thấy, đây là quy định mới hoàn toàn được ghi nhận tại Luật Đầu tư 2020. Theo đó, sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, Chính phủ sẽ căn cứ Luật này và các quy định của pháp luật liên quan để công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quy định mới này mang tính phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa của Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện cho công tác quản lý, kiểm soát tốt hơn trong hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài.

5. Bổ sung hình thức ưu đãi đầu tư

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm 04 hình thức sau:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

So với quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung hình thức “khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế” trong chính sách ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, tại Luật Đầu tư 2020 còn mở rộng thêm các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư, bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư và áp dụng một số ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Mời Quý khách hàng và thành viên xem thêm tại bài viết 04 nội dung đáng chú ý về chính sách ưu đãi đầu tư từ ngày 01/01/2021.

6. NĐT thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không cần GCN đăng ký đầu tư

Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

  • Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

  • Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định pháp luật.

Đặc biệt, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không cần phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục làm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (quy định mới hoàn toàn).

So với Luật Đầu tư 2014 thì tại Luật Đầu tư 2020, điều kiện thành lập tổ chức kinh tế đã nới lỏng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Luật Đầu tư 2020 cũng bãi bỏ quy định về điều kiện của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư thành lập, bao gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động của dự án đầu tư.

7. Bổ sung điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định pháp luật;

  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh;

  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Trong khi đó, tại Điều 24 Luật Đầu tư 2014 quy định nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế chỉ cần đáp ứng điều kiện về hình thức, điều kiện và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp mà không cần phải đáp ứng thêm điều kiện nào khác.

Như vậy, theo Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài muốn góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thì ngoài đáp ứng các điều kiện về hình thức, điều kiện và thủ tục thì còn phải đáp ứng thêm một số điều kiện đặc biệt theo quy định. 

8. Thay đổi nơi nộp hồ sơ dự án đầu tư

- Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 34 Luật Đầu tư 2020).

Trong khi đó, tại Điều 35 Luật Đầu tư 2014 quy định nơi nộp hồ sơ đối với dự án này là cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư.

- Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 35 Luật Đầu tư 2020).

Trong khi đó, tại Điều 34 Luật Đầu tư 2014 quy định nơi nộp hồ sơ đối với dự án này là cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư.

- Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư (Điều 36 Luật Đầu tư 2020). Quy định này giống với quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư 2014.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ thì hồ sơ dự án đầu tư sẽ được nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà không nộp ở nơi thực hiên dự án đầu tư như hiện hành nữa.

9. Bãi bỏ 01 trường hợp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện đầu tư

Tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

Trong khi đó, tại Điều 42 Luật Đầu tư 2014 được hướng dẫn tại Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định ngoài các trường hợp trên, đối với nhà đầu tư là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế cũng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Như vậy, theo Luật Đầu tư 2020 thì đối tượng này sẽ vẫn phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1590 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;