Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Luật này đã quy định chi tiết về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đầu tư theo phương thức PPP.
- Luật PPP 2020: 12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP
- Chỉ 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP từ 01/01/2021
4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đầu tư theo phương thức PPP - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 thì lựa chọn nhà đầu tư là quá trình xác định nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp khả thi để thực hiện dự án PPP trên nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Luật này gồm:
Đấu thầu rộng rãi
Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.
Đấu thầu rộng rãi phải được áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ trường hợp áp dụng hình thức như Đàm phán cạnh tranh, Chỉ định nhà đầu tư hoặc Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Đàm phán cạnh tranh
Đàm phán cạnh tranh được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự;
- Dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;
- Dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Chỉ định nhà đầu tư
Chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước;
- Dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 52 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.
Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định việc chỉ định nhà đầu tư; trường hợp chỉ định nhà đầu tư đối với dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước thì trước khi chỉ định nhà đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.
Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Trường hợp dự án PPP xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư như Đấu thầu rộng rãi, Đàm phán cạnh tranh hay Chỉ định nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm các nội dung sau đây:
- Thông tin cơ bản của dự án;
- Thuyết minh về điều kiện đặc thù, riêng biệt của dự án;
- Phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, bao gồm: các bước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; giải pháp cụ thể để giải quyết được tính đặc thù, riêng biệt của dự án được đề xuất để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.
Chi tiết các nội dung xem thêm tại: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 18/6/2020.
Nguyễn Trinh