Để phát triển các dự án nhằm mở rộng phát triển kinh doanh ra thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách vay vốn nước ngoài để đầu tư cho dự án của mình. Dưới đây là 03 bước doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký Khoản vay nước ngoài.
03 bước doanh nghiệp thực hiện đăng ký Khoản vay nước ngoài (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 03/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, 03 bước doanh nghiệp thực hiện đăng ký Khoản vay nước ngoài như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Khoản vay nước ngoài
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 03/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư 05/2017/TT-NHNN, hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài bao gồm:
1. Đơn đăng ký Khoản vay nước ngoài.
2. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hồ sơ pháp lý của Bên đi vay và bên sử dụng vốn vay đối với trường hợp Bên đi vay không phải là bên sử dụng vốn vay.
3. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hoặc bản chính văn bản chứng minh Mục đích vay.
4. Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn Khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn (nếu có); hoặc văn bản rút vốn kèm theo thỏa thuận khung.
5. Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) trong trường hợp Khoản vay được bảo lãnh.
6. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Bên đi vay là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
7. Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm cuối tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và văn bản chứng minh việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo quy định của pháp luật (nếu có) đối với Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
8. Xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản trong một số trường hợp cụ thể.
9. Văn bản, chứng từ chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay và xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay.
10. Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
Bước 2: Gửi hồ sơ đăng ký Khoản vay nước ngoài
Có 3 cách gửi hồ sơ như sau:
Cách 1: Bên đi vay gửi hồ sơ đăng ký Khoản vay qua đường bưu điện.
Cách 2: Nộp trực tiếp tại cơ quan xác nhận đăng ký Khoản vay, thẩm quyền của các cơ quan được xác định như sau:
- Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các Khoản vay có kim ngạch vay trên 10 (mười) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) và các Khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các Khoản vay có kim ngạch vay đến 10 (mười) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương).
- Trường hợp việc thay đổi tăng hoặc giảm kim ngạch vay, thay đổi đồng tiền vay, thay đổi trụ sở chính của Bên đi vay, thay đổi Bên đi vay sang doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc địa bàn khác làm thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thay đổi Khoản vay, cơ quan xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi Khoản vay ban đầu có trách nhiệm như sau:
-
Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký thay đổi Khoản vay của Bên đi vay;
-
Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thay đổi của Bên đi vay, chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ đề nghị đăng ký thay đổi Khoản vay và bản sao hồ sơ đăng ký, hồ sơ đăng ký thay đổi đã thực hiện của Khoản vay (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này để tiếp tục xử lý.
Cách 3: Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến có thể lựa chọn việc gửi thêm hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn tại Trang điện tử.
Lưu ý, Bên đi vay phải gửi hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ:
-
Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp Khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn;
-
Ngày ký thỏa thuận gia hạn Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với Khoản vay tự vay tự trả là khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 năm;
-
Ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với Khoản vay tự vay tự trả là khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 ngày kể từ thời Điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Bước 3: Ngân hàng nhà nước gửi văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay nước ngoài
-
Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến: 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
-
Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
-
Đặc biệt, đối với trường hợp Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh: 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Nếu từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay thì Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản nêu rõ lý do.
Ngoài ra, đối với các Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài, thủ tục đăng ký Khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận Khoản vay; văn bản xác nhận đăng ký Khoản vay đồng thời là văn bản chấp thuận Khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Lê Vy
- Từ khóa:
- Thông tư 03/2016/TT-NHNN