Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 23/9 đến ngày 29/9/2024)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 23/9 đến ngày 29/9/2024)
Anh Hào

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức biên dịch viên hạng II; Chương trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong đảm bảo an ninh năng lượng; Bộ Tài chính sửa đổi thủ tục gia hạn nộp thuế... là những nội dung nổi bật tại các tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 23/9 đến 29/9/2024.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức biên dịch viên hạng II

Ngày 23/9/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 12/2024/TT-BTTTT về việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, trong đó có biên dịch viên hạng II.

Để xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng II (mã số: V.11.03.08), phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III, Mã số: V.11.03.09.

- Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III (hoặc tương đương) ít nhất là đủ 09 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III thì phải có ít nhất đủ 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III không liên tục thì được cộng dồn);

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III (hoặc tương đương) đã chủ trì hoặc tham gia biên dịch ít nhất 01 (một) tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc giải thưởng do cơ quan Đảng ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 01 (một) đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành cấp cơ sở trở lên mà cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên hạng III (hoặc tương đương) được tặng bằng khen hoặc đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc 02 lần đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trở lên do có thành tích trong hoạt động nghề nghiệp.

Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 12/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 07/11/2024.

Chương trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong đảm bảo an ninh năng lượng

Ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 914/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Theo đó, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 với nhiều nội dung.

Sau đây là đơn cử nội dung của mục tiêu tổng quát và định hướng ứng dụng trong phân ngành điện và năng lượng tái tạo:

* Mục tiêu tổng quát:

- Chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong lĩnh năng lượng; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới trong lĩnh vực năng lượng; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 với công tác bảo vệ an ninh năng lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng được tổ chức khoa học thống nhất với bộ cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, đầy đủ, kịp thời, nhất quán, được cập nhật thường xuyên, được quản lý và vận hành bởi đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra của hệ thống đủ chất lượng để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của các hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với ngành năng lượng.

* Định hướng ứng dụng và phát triển trong phân ngành điện và năng lượng tái tạo

- Phát triển ngành điện theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bảo đảm cân đối về cung - cầu năng lượng và giữa các vùng - miền phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và các địa phương trong từng thời kỳ, đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.

- Phát triển chuỗi cung ứng ngành điện theo hướng đồng bộ hóa từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải.

- Nghiên cứu phát triển hệ thống lưu trữ như pin tích năng, trữ nhiệt,… nhằm mục đích đảm bảo độ ổn định của hệ thống điện có tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời nghiên cứu và triển khai các dự án liên quan đến các nguồn nhiên liệu sạch như hydro xanh, amonia xanh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 để giải quyết các thách thức trong phát triển nguồn, điều hành sản xuất, xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải, phát triển thị trường điện cạnh tranh và tích hợp hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.

- Tiếp tục nghiên cứu triển khai các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng trên lưới điện, đặc biệt đối với các lưới điện có mức điện áp thấp bao gồm lưới điện trung áp và hạ áp. Đồng thời tính toán chỉ số tổn thất điện năng và đặt mục tiêu ngang tầm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Xem thêm nội dung tại Quyết định 914/QĐ-TTg ban hành ngày 26/8/2024.

Bộ Tài chính sửa đổi thủ tục gia hạn nộp thuế

Ngày 11/9/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2127/QĐ-BTC công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính (thủ tục gia hạn nộp thuế).

Theo đó, căn cứ quy định sửa đổi thủ tục gia hạn nộp thuế gồm: Nghị định 64/2024/NĐ-CP ; Nghị định 65/2024/NĐ-CP ; Thông tư 80/2021/TT-BTC , Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi thủ tục gia hạn nộp thuế như sau:

- Bước 1: Người nộp thuế thuộc diện được gia hạn nộp thuế lập hồ sơ và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.

- Bước 2: Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế:

+ Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, gửi qua đường bưu chính công chức thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo quy định.

+ Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

- Cách thức thực hiện:

+ Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế;

+ Hoặc gửi qua hệ thống bưu chính;

+ Hoặc gửi hồ sơ điện tử đến cơ quan thuế qua giao dịch điện tử (Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN).

- Thành phần, số lượng hồ sơ:

+ Thành phần hồ sơ gồm:

++ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC  ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính; Trường hợp gia hạn nộp thuế do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ cần có thêm các tài liệu sau:

Thứ nhất, tài liệu chứng thực về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;

Thứ hai, văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

Thứ ba, văn bản quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có); Các chứng từ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).

- Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP;

- Giấy đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân.

- Cơ quan thuế thực hiện thủ tục hành chính: Cục Thuế/Chi cục Thuế

- Phí, lệ phí: Không có

Xem thêm chi tiết tại Quyết định 2127/QĐ-BTC ngày 11/9/2024.

Xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3

Ngày 27/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 100/CĐ-TTg về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.

Cụ thể, để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ; tích cực hơn nữa để xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

- Đẩy nhanh thực hiện, giải ngân gói tín dụng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đang được triển khai, ưu tiên các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua, thực hiện theo thẩm quyền việc xem xét tăng quy mô nếu hiệu quả và cần thiết.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề xuất sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, trong đó chú trọng thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết 143/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Xem thêm tại Công điện 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024.

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;