Lệ phí làm thẻ căn cước từ ngày 21/10/2024; Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024; Yêu cầu về chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu từ 23/10/2024… là những nội dung nổi bật tại các tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 21/10 đến ngày 27/10/2024.
Ngày 21/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 73/2024/TT-BTC quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
- Cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP là 30.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp đổi thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 là 50.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp lại thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước 2023 là 70.000 đồng/thẻ căn cước.
Kể từ ngày 21/10/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước bằng 50% mức thu lệ phí quy định trên. Kể từ ngày 01/01/2025 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định trên, trừ trường hợp quy định sau đây
Kể từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu lệ phí quy định trên. Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định trên.
Đồng thời quy định về kê khai, nộp lệ phí như sau:
- Người nộp lệ phí thực hiện nộp lệ phí khi làm thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho tổ chức thu lệ phí theo hình thức quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC.
- Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) bố trí trong dự toán của tổ chức thu lệ phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC.
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 73/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.
Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 109/CĐ-TTg về tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Theo đó đến nay, tại báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 theo thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, còn một số tỉnh, thành phố tiến độ ban hành văn bản còn rất chậm.
Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai 2024, do đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung đã chỉ đạo tại Công điện 105/CĐ-TTg ngày 10/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó:
- Phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024;
- Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phải hoàn thành trước ngày 31/10/2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.
Xem thêm tại Công điện 109/CĐ-TTg ban hành ngày 22/10/2024.
Ngày 23/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Theo đó, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:
- Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;
- Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi:
+ Các thông tin trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy bao gồm: ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin bao gồm tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.
Trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hiển thị bổ sung mã phản hồi nhanh (QR) hoặc hình thức mã hóa khác chứa các thông tin trên để phục vụ việc tra cứu và sử dụng thông tin bằng phương tiện điện tử.
Nội dung ký hiệu riêng thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy được quy định theo pháp luật liên quan.
+ Trường hợp chuyển đổi phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, sao y, sao lục, trích sao, các thông tin trên thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, công tác văn thư;
+ Trường hợp chuyển đổi văn bản là kết quả của giải quyết thủ tục hành chính, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 25 Nghị định 45/2020/NĐ-CP thực hiện theo quy định trên.
- Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định trên và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị định 137/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/10/2024.
Ngày 24/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng
Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 138/2024/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước như sau:
(1) Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung của đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất đảm bảo đúng nguyên tắc và chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ đề nghị bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP.
(2) Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, trong đó:
- Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật của ngành, lĩnh vực có liên quan, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kế hoạch được phê duyệt để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách.
- Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật của ngành, lĩnh vực có liên quan để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ; việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách.
- Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, giải ngân kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 138/2024/NĐ-CP trong năm ngân sách đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; việc chuyển nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ (nếu có) được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn.
(3) Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/10/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |