Nhiều văn bản mới được cập nhật từ ngày 13/3 - 19/3/2023 với những nội dung nổi bật như: Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái chiết khấu; Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án; Hình thức xử phạt hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;…
1. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái chiết khấu
Quyết định 313/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN được ban hành ngày 14/3/2023.
Cụ thể, tại Quyết định 313/QĐ-NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu còn 3,5%/năm; (Giảm 1,0%/năm so với Quyết định 1809/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022)
Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được điều chỉnh giảm 1%, xuống còn 6,0%/năm.
Ngoài ra, tại Quyết định 314/QĐ-NHNN (thay thế Quyết định 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022) còn điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm;
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
2. Tiêu chí lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Ngày 13/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2023/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 54/2022/QH15 thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo đó, trại giam thực hiện thí điểm phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Khó khăn về cơ sở vật chất để tổ chức các ngành nghề lao động, hướng nghiệp, dạy nghề phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trong phạm vi trại giam.
- Có nhu cầu về việc làm, khả năng quản lý, bố trí cán bộ, chiến sĩ và số lượng phạm nhân để hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
- Bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm.
Căn cứ các tiêu chí vừa nêu, Bộ Công an ban hành danh sách các trại giam được thực hiện thí điểm.
Nghị định 09/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
3. Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 09/3/2023.
Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cụ thể, hướng dẫn xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ,...
Bên cạnh đó, hướng dẫn xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Thông tư 01/2023/TT-TANDTC có hiệu lực từ ngày 25/4/2023.
4. Hình thức xử phạt hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 được ban hành ngày 28/02/2023.
Theo đó, quy định hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
- Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kiểm toán nhà nước bao gồm:
+ Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/5/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |