Thời giờ nghỉ ngơi của lao động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; Số lượng học sinh/lớp theo vùng; Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ;...là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật tuần vừa qua (từ ngày 13/11 - 19/11/2023).
Ngày 08/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Theo đó, thời giờ nghỉ ngơi của lao động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí được quy định như sau:
- Sau mỗi ca làm việc, người lao động được bố trí nghỉ liên tục tối thiểu 10 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc mới.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ giải lao giữa giờ làm việc tính vào thời giờ làm việc, trong đó tổng thời gian nghỉ giữa giờ làm việc tối thiểu 60 phút và phải đảm bảo được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
- Ngoài thời gian nghỉ giữa ca làm việc, sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc thường xuyên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.
- Người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ phù hợp với tình hình công việc, theo tỷ lệ như sau:
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày làm việc trong tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù nửa ngày làm việc;
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày nghỉ hàng tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 1 ngày làm việc;
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển ngày Lễ, Tết: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 2 ngày làm việc.
Xem thêm Thông tư 20/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/12/2023 và thay thế Thông tư 24/2015/TT-BCT.
Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Theo đó, số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
- Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
- Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
- Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
- Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động.
Xem thêm Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023. Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hết hiệu lực kể từ ngày 16/12/2023, trừ các quy định về giám định mức tiết dạy.
Ngày 15/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng. Trong đó có nội dung các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ gồm:
- Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng;
- Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong 12 tháng (trừ trường hợp bất khả kháng) đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
- Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Xem thêm Nghị định 79/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2023.
Ngày 10/10/2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch 01/2023/NQLT-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, việc phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được thể hiện qua các nội dung như sau:
- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Công tác dân tộc, tôn giáo
- Công tác tuyên truyền, vận động
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân
- Xây dựng chính sách, pháp luật
- Công tác bầu cử
- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và kiểm tra, thanh tra
- Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Kiến nghị và giải quyết, trả lời kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Công tác đối ngoại nhân dân
- Trao đổi thông tin và làm việc liên tịch
- Tham gia các hội nghị, phiên họp
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin
Xem thêm Nghị quyết liên tịch 01/2023/NQLT-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 và thay thế Nghị quyết liên tịch 19/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |