Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 09/9 đến ngày 15/9/2024)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 09/9 đến ngày 15/9/2024)
Quốc Trình

Chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (Yagi) trong lĩnh vực giáo dục; Thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao, hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị;... là những nội dung nổi bật tại các tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 09/9 đến 16/9/2024.

1. Chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (Yagi) trong lĩnh vực giáo dục

Ngày 10/9/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Công điện 1200/CĐ-BGDĐT về việc chỉ đạo công tác khắc phục bão số 3 (Yagi).

Cụ thể, tại Công điện 1200/CĐ-BGDĐT ngày 10/9/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

- Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan y tế để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão. Đảm bảo điều kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại trường.

- Thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở đất rất cao, cần chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.

- Rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.

- Đảm bảo cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm và trang thiết bị dạy học cần thiết cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng. Tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.

- Tăng cường phối hợp với các ban ngành địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng.

- Có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng vật dụng cần thiết cho học sinh các trường bán trú, nội trú đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh.

- Tổng hợp tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục, xử lý, gửi đến cấp có thẩm quyền và báo cáo chi tiết về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/9/2024 theo địa chỉ: Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Số 35, Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (người liên hệ ông Trần Gia Khánh, chuyên viên Cục Cơ sở vật chất, điện thoại 0917710440) để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Xem thêm Công điện 1200/CĐ-BGDĐT ban hành ngày 10/9/2024.

2. Thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao, hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về Thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao, hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.

Theo đó, tại Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, trong đó có phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và của các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, bảo đảm thời hạn hoàn thành theo quy định. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm kê rừng nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng theo chủ quản lý (trong đó có diện tích rừng lớn của các Công ty nông, lâm nghiệp) và hiện trạng.... theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo 226/TB-VPCP ngày 17/5/2024.

- Tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sau sắp xếp, đổi mới. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, không để tình hình phức tạp do chậm xử lý dứt điểm hoặc né tránh, đùn đẩy trong xử lý; thu hồi đất sử dụng sai mục đích, vi phạm, sử dụng không hiệu quả để đưa vào quản lý, sử dụng đúng pháp luật, hiệu quả.

- Xây dựng hoặc điều chỉnh phương án sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời hạn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/9/2024 (đối với địa phương chưa phê duyệt phương án tổng thể); trước ngày 31/10/2024 (đối với các địa phương có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện sắp, đổi mới theo đề án được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh lại để phù hợp với Nghị định 04/2024/NĐ-CP hoặc thay đổi phương án đã được phê duyệt).

- Chỉ đạo Chủ tịch, Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại các DNNN là công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc địa phương, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ đạo được giao tại Chỉ thị 33/CT-TTg; chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện theo quy định.

Xem thêm Chỉ thị 33/CT-TTg ban hành ngày 10/9/2024.

3. Chỉ đạo tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thuỷ điện ở các tỉnh phía bắc

Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024 về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thuỷ điện ở các tỉnh phía bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.

Theo đó, tại Công điện 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên chỉ đạo các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện:

+ Thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa, lũ trên lưu vực; tập trung vận hành điều tiết hồ chứa (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó có hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du (trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình), đồng thời đảm bảo an toàn cho công trình và tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa;

+ Trong quá trình vận hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để kịp thời chỉ đạo trong các trường hợp khẩn cấp;

+ Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du về diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024.

- Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện 94/CĐ-TTg; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh

Xem thêm Công điện 94/CĐ-TTg ban hành ngày 12/9/2024

4. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Tại Điều 7 Nghị định 112/2024/NĐ-CP thì kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước 30/11 năm trước của năm kế hoạch.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp huyện, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 15/12 năm trước của năm kế hoạch.

- Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và nhu cầu chuyển đổi của người sử dụng đất trồng lúa, ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn xã theo mẫu Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 30/12 năm trước của năm kế hoạch.

Xem thêm Nghị định 112/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 11/9/2024

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;