Bổ sung thêm ngạch công chức ngành Ngân hàng; ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại;...là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 31/10 - 06/11/2022).
Nội dung đề cập tại Thông tư 14/2022/TT-NHNN ngày 31/10/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng.
Theo đó, bổ sung ngạch công chức Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ.
Đây là công chức chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng, thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho công tác kho quỹ, được bố trí ở các vị trí việc làm tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ như sau:
+ Nắm vững chế độ, chính sách về quản lý tiền mặt và quản lý kho, quỹ của Ngân hàng Nhà nước;
+ Nắm vững quy định của Ngân hàng Nhà nước về thu đổi tiền rách nát, hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn lưu thông;
+ Thông thạo việc phân loại tiền, phân biệt tiền thật, tiền giả; quy định, quy trình nghiệp vụ về kiểm, đếm, đóng gói, giao nhận tiền, thủ tục thu chi tiền mặt và bảo quản tiền mặt;
+ Hướng dẫn được khách hàng chấp hành đúng các thủ tục về lĩnh tiền, nộp tiền ở ngân hàng;
+ Sử dụng thông thạo máy kiểm đếm tiền và các công cụ hỗ trợ khác.
Thông tư 14/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và thay thế Thông tư 12/2019/TT-NHNN.
Ngày 01/11/2022, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP về quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
Trong đó, cá nhân làm Thừa phát lại phải tuân thủ các quy tắc chung trong đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại sau đây:
- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội:
Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm thượng tôn pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật:
+ Thừa phát lại phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tự giác tuân thủ quy định của Quy tắc này trong hành nghề.
+ Thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao chính xác, đầy đủ, trách nhiệm và có thái độ độc lập, khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật.
- Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp:
+ Thừa phát lại có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp.
+ Thừa phát lại phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề, lành mạnh trong lối sống để nhận được sự tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.
+ Thừa phát lại phải mặc trang phục theo quy định, đeo thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.
- Rèn luyện, tu dưỡng bản thân:
+ Thừa phát lại phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chủ động học hỏi để trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng công việc, phục vụ người yêu cầu.
+ Thừa phát lại phải tận tâm với công việc; sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
- Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc:
+ Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn thư kỷ nghiệp vụ, nhân viên của Văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau khi giải quyết yêu cầu. Trường hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện công việc cho người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Thừa phát lại có trách nhiệm bảo quản cẩn thận hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết các yêu cầu, bàn giao đầy đủ hồ sơ công việc để lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Thông tư 08/2022/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 07/2022/TT-BTP ngày 01/11/2022 quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập thuộc ngành tư pháp được phân loại dựa trên 03 tiêu chí sau đây:
(1) Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ
- ĐVSN công lập phục vụ quản lý nhà nước;
- ĐVSN công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công;
- Đơn vị đồng thời phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công;
(2) Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập
- ĐVSN công lập được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ.
- ĐVSN công lập được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- ĐVSN công lập được thành lập theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
- ĐVSN công lập được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
(3) Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính
- ĐVSN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
- ĐVSN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
- ĐVSN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
- ĐVSN công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Thông tư 07/2022/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2022.
Ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2022/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.
Theo đó, phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không được xác định như sau:
- Khu vực nhà ga hành khách: khu vực thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện vận tải; khu vực thực hiện thủ tục hải quan; khu vực đảo hành lý; khu vực kho lưu giữ hàng hóa, hành lý ký gửi, hành lý thất lạc;
- Khu vực nhà ga hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; kho hàng hóa xuất khẩu; kho hàng hóa nhập khẩu;
- Khu vực sân đỗ tàu bay: khu vực tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực bãi chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
- Khu vực khác liên quan hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người; xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp chuyến bay quốc tế được cấp phép đến địa điểm không phải cảng hàng không.
Đối với phạm vi khu vực cách ly xuất nhập cảnh nằm trong khu vực cửa khẩu đường hàng không được tính từ bục kiểm soát xuất cảnh đến cửa tàu bay và từ cửa tàu bay đến bục kiểm soát nhập cảnh.
Trường hợp tàu bay đỗ tại sân đỗ, không gian phía trong phương tiện vận chuyển hành khách từ cửa khởi hành đến cửa lên tàu bay xuất cảnh và từ cửa xuống tàu bay nhập cảnh đến cửa vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh được coi là khu vực cách ly xuất nhập cảnh.
Khi đó, phạm vi các khu vực cửa khẩu đường hàng không trên phải có ranh giới rõ ràng và được đặt biển báo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 93/2022/NĐ-CP.
Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |