Giảm một số khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh vận tải; bổ sung chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý hạng I;...là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 03/10 - 09/10/2022)
1. Giảm một số khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh vận tải
Ngày 29/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2022/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo đó, kể từ ngày 01/10/2022 đến 31/12/2022 thì mức thu một số khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh vận tải được giảm bao gồm:
- Giảm 20% với các khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh vận tải:
+ Phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa;
+ Phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa;
+ Lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa;
+ Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay;
(Trừ nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí áp dụng mức thu phí tương ứng quy định tại Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BTC)
+ Phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay;
(Trừ nội dung thu tại số thứ tự 4 Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí áp dụng mức thu phí quy định tại Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BTC)
- Giảm 50% với các khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh vận tải:
+ Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ Lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa;
+ Phí trình báo đường thủy nội địa.
Thông tư 59/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/10/2022 cho đến hết ngày 31/12/2022.
2. Bổ sung chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý hạng I
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tại Thông tư 05/2022/TT-BTP quy định về mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý.
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý bao gồm:
- Trợ giúp viên pháp lý hạng I - Mã số: V02.01.00
- Trợ giúp viên pháp lý hạng II - Mã số: V02.01.01
- Trợ giúp viên pháp lý hạng III - Mã số: V02.01.02
(So với hiện hành tại Thông tư liên tịch 08/2016/TTLT-BTP-BNV, bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý hạng I)
Ngoài ra, quy định về cách xếp lương với chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý như sau:
- Chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng I được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm A3.1 (hệ số lương từ 6.20 đến hệ số lương 8.00);
- Chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.1 (hệ số lương từ 4.40 đến hệ số lương 6.78);
- Chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (hệ số lương từ 2.34 đến hệ số lương 4.98).
Thông tư 05/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 thay thế Thông tư liên tịch 08/2016/TTLT-BTP-BNV.
3. Danh mục người có chức vụ sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 60/2022/TT-BTC ngày 03/10/2022 về danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ không được thành lập, điều hành doanh nghiệp tư nhân thuộc phạm vi quản lý Bộ Tài chính.
Cụ thể, danh mục người có chức vụ sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp như sau:
- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
- Quản lý nhà nước về hải quan.
- Quản lý nhà nước về giá.
- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
- Quản lý nhà nước về tài sản công.
Thông tư 60/2022/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022.
4. Bổ sung đối tượng đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Theo đó, đối tượng đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài như sau:
- Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài với bên cho vay là người không cư trú.
- Tổ chức chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký hợp đồng nhận ủy thác cho vay lại với bên ủy thác là người không cư trú.
- Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam cho người không cư trú.
- Bên đi thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính với bên cho thuê là người không cư trú.
- Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài thuộc đối tượng đăng ký, đăng ký thay đổi theo quy định tại Thông tư 12/2022/TT-NHNN trong trường hợp bên đi vay đang thực hiện khoản vay nước ngoài thì thực hiện chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập. (Nội dung mới bổ sung)
Thông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/11/2022, trừ quy định tại khoản 2 Điều 50 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |