Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 03 - 09/7/2023)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 03 - 09/7/2023)
Dương Châu Thanh

Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT từ ngày 01/7/2023; Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Quy định nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền; ...là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật tuần vừa qua (từ ngày 03 - 09/7/2023).

1. Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT từ ngày 01/7/2023

Nội dung đề cập tại Nghị quyết 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6/2023.

Theo đó, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT quy định tại điểm a, khoản 1.1 Điều 3 của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, phấn đấu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo tình hình thực hiện chính sách trên cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

2. Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, 06 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, gồm:

- Quản lý đầu tư.

- Tài chính, ngân sách nhà nước.

- Quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường.

- Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh.

- Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 và thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14.

3. Quy định nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền

Thông tư 07/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 38/2018/TT-NHNN quy định nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/6/2023.

- Trên cơ sở văn bản chỉ định và cho phép cơ sở in, đúc tiền được nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 38/2018/TT-NHNN, cơ sở in, đúc tiền thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại Phụ lục Danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 38/2018/TT-NHNN như sau:

+ Đối với hàng hóa thuộc mục có số thứ tự 1, 2, 3, 5: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ hợp đồng in, đúc tiền giữa cơ sở in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa;

+ Đối với hàng hóa thuộc mục có số thứ tự 4, 6, 7: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 quy định việc đầu tư, mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có văn bản xác nhận việc cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức văn bản khác giữa cơ sở in, đúc tiền và đơn vị cung cấp hàng hóa.

- Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 01 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật.

Thông tư 07/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 14/8/2023.

4. Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy

Quyết định 819/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 07/7/2023.

Theo đó, quan điểm của quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

- Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành;

- Hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;

- Phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng bước hiện đại, kết nối đồng bộ, hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi từng vùng kinh tế, từng địa phương, từng ngành và lĩnh vực; sử dụng và khai thác có hiệu quả quỹ đất phục vụ phòng cháy chữa cháy; tuân thủ và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho địa phương;

- Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng dân phòng; đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành;

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

 

409 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;