Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 01/01/2023 đến 08/01/2023)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 01/01/2023 đến 08/01/2023)
Trần Thanh Rin

Các nguồn ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài của người cư trú; Quy định về thanh toán đối với chất đánh dấu, thuốc phóng xạ trong Quỹ bảo hiểm y tế;... là những văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 01/01/2023 đến 08/01/2023).

1. Các nguồn ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài của người cư trú

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, các nguồn ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức, cá nhân như sau:

* Đối với nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức:

- Ngoại tệ trên tài khoản thanh toán.

- Tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ.

- Ngoại tệ mua của ngân hàng được phép.

* Đối với nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài của người cư trú là cá nhân:

- Ngoại tệ tự có của cá nhân (ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, ngoại tệ tự cất giữ).

- Ngoại tệ mua của ngân hàng được phép.

Việc mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức, cá nhân phải tuân thủ theo các mức quy định cho từng mục đích liên quan theo quy định tại Điều 8 và Điều 13 Thông tư 20/2022/TT-NHNN.

Xem thêm tại Thông tư 20/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.

2. Quy định về thanh toán đối với chất đánh dấu, thuốc phóng xạ trong Quỹ bảo hiểm y tế

Ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, việc Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc phóng xạ đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế khi tuân thủ quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 20/2022/TT-BYT, đồng thời theo một số quy định trong các trường hợp cụ thể như sau:

- Đối với chất đánh dấu:

Căn cứ vào dịch vụ kỹ thuật và số lượng người bệnh trực tiếp thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó tại cơ sở, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tính toán định mức sử dụng thực tế bình quân của kít hoặc lọ chất đánh dấu đối với từng dịch vụ kỹ thuật.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí chất đánh dấu theo đơn giá của chất đánh dấu nhân (x) định mức sử dụng thực tế bình quân;

- Đối với thuốc phóng xạ:

Căn cứ tốc độ phân rã thuốc phóng xạ, nguồn cung ứng thuốc phóng xạ, chu kỳ nhập thuốc phóng xạ và lưu lượng người bệnh sử dụng thuốc phóng xạ thực tế tại cơ sở, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định tỷ lệ sử dụng thực tế bình quân của thuốc phóng xạ.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc phóng xạ theo đơn giá nhân (x) liều sử dụng bình quân chia (:) tỷ lệ sử dụng thực tế bình quân của thuốc phóng xạ;

- Việc thống kê, tính toán chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật có sử dụng thuốc phóng xạ và chất đánh dấu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT.

Thông tư 20/2022/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023.

3. Quy định mới về đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Theo đó, các đối tượng phải thực hiện xác nhận Bảng kê lâm sản bao gồm:

(i) Gỗ loài thông thường khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên;

(Tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định gỗ khai thác từ rừng tự nhiên là loại gỗ trong nước chưa chế biến.)

(ii) Lâm sản sau xử lý tịch thu;

(iii) Gỗ, thực vật ngoài gỗ có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc trồng cây thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc Phụ lục CITES; 

(Hiện hành quy định các loại thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến.)

(iv) Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất, sản phẩm của động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc gây nuôi; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, trừ loài thủy sản;

(So với hiện hành, Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT đã bổ sung quy định về việc loại trừ thủy sản ra khỏi đối tượng phải thực hiện xác nhận Bảng kê lâm sản.)

(v) Lâm sản không thuộc các trường hợp quy định tại (i), (ii), (iii) và (iv) hoặc gỗ cây công nghiệp hoặc sản phẩm gỗ hoàn chỉnh theo đề nghị của chủ lâm sản. 

Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023 và thay thế Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT.

4. Ban hành các nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam

Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành 16 nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm thực hiện các Hiệp định thương mại giai đoạn 2022 - 2027.

Đơn cử các Nghị định  sau đây:

- Nghị định 112/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Hiệp định VCFTA.

- Nghị định 113/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VN-EAEU FTA.

- Nghị định 114/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba.

- Nghị định 115/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP.

- Nghị định 116/2022/NĐ-CP quy định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA.

- Nghị định 117/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA.

- Nghị định 118/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc.

Bên cạnh đó còn các Nghị định sau: Nghị định 119/2022/NĐ-CP, Nghị định 120/2022/NĐ-CP, Nghị định 121/2022/NĐ-CP, Nghị định 123/2022/NĐ-CP, Nghị định 124/2022/NĐ-CP, Nghị định 125/2022/NĐ-CP, Nghị định 126/2022/NĐ-CPNghị định 127/2022/NĐ-CP.

Các Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2022.

573 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;