Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN; Bổ sung quy định về mua, bán nợ trong trường hợp bên mua nợ chưa thanh toán đủ số tiền mua nợ;...là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 26/12/2022 - 31/12/2022).
1. Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/11/2022 quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN.
Theo đó, thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN như sau:
- Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định.
- Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực BHXH, BHTN thực hiện theo thời hạn được ghi trong quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định.
- Thời hạn giám định tư pháp tối đa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH với từng loại việc giám định như sau:
+ Giám định các nội dung liên quan đến thu BHXH, thu BHTN, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;
+ Giám định các nội dung liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ BHXH thời hạn giám định tối đa là 02 tháng;
+ Giám định các nội dung liên quan đến chi trả các chế độ BHXH, BHTN, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;
+ Giám định các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHTN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời hạn giám định tối đa là 03 tháng;
+ Đối với trường hợp giám định theo vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH hoặc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
- Trong trường hợp cần thiết, cá nhân người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có văn bản đề nghị cơ quan trưng cầu giám định gia hạn theo thẩm quyền.
Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/01/2023.
2. Bổ sung quy định về mua, bán nợ trong trường hợp bên mua nợ chưa thanh toán đủ số tiền mua nợ
Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022 sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, quy định về mua, bán nợ trong trường hợp bên mua nợ chưa thanh toán đủ số tiền mua nợ như sau:
Trường hợp bên mua nợ và bên bán nợ có thỏa thuận về việc bên mua nợ được trả tiền mua nợ (một phần hoặc toàn bộ số tiền mua nợ) sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ thì các bên phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thời hạn hoàn thành thanh toán số tiền mua, bán nợ của bên mua nợ cho bên bán nợ tối đa là 60 ngày, tính từ ngày hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực.
- Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10a Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN), số tiền mà bên mua nợ chưa thanh toán đủ cho bên bán nợ theo hợp đồng mua, bán nợ phải được bảo đảm 100% khả năng thanh toán bằng các loại tài sản có tính thanh khoản cao, bao gồm:
+ Tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;
+ Vàng miếng theo quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng;
+ Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
+ Trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng mức AA- trở lên (theo Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo Moody’s) và được niêm yết trên thị trường chứng khoán;
+ Cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (trừ: các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, bị tạm ngừng, đình chỉ;
Hoặc hạn chế giao dịch theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm và các cổ phiếu có khối lượng giao dịch dưới 300.000 cổ phiếu/ngày, tính trong 10 ngày giao dịch liền kề trước ngày ký hợp đồng bảo đảm).
- Giá trị của các tài sản dùng để bảo đảm cho số tiền mua nợ được trả sau quy định tại khoản 2 Điều 10a Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN) được xác định theo nguyên tắc xác định giá trị tài sản bảo đảm để tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm.
- Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN và sử dụng khoản nợ được mua này để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước;
Việc bảo đảm cho số tiền mua nợ mà bên mua nợ được trả sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ được mua bán từ bên bán nợ (nếu có) do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 18/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ 09/02/2023.
3. Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của địa phương
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, từ ngày 01/7/2023, điều chỉnh mức tiền lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của địa phương đơn cử như sau:
- 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao;
(Không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa;
Phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước);
- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 còn dư chuyển sang;
- 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;...
Xem chi tiết tại Thông tư 78/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 09/02/2023 và áp dụng đối với năm ngân sách năm 2023.
4. TANDTC giải đáp 03 vướng mắc về hình sự trong công tác xét xử
Đây là nội dung tại Công văn 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
Theo đó, 03 vướng mắc về hình sự trong công tác xét xử được TANDTC giải đáp như sau:
- Vướng mắc 1: Người đủ 18 tuổi phạm tội nhưng trước đó đã bị kết án khi chưa đủ 16 tuổi thì có thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” hay không?
- Vướng mắc 2: Trường hợp vật chứng là bộ phận của động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Tòa án xử lý như thế nào?
- Vướng mắc 3: Người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Bộ Luật Hình sự;
Hay tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự hay cả hai tội?
Xem nội dung chi tiết giải đáp vướng mắc tại Công văn 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |