Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 19/7 – 24/7/2021)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 19/7 – 24/7/2021)
Bảo Ngọc

Trong tuần vừa qua (từ ngày 19/7 – 24/7/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Bảo hiểm; Lao động; Thương mại, đầu tư,… Cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc mới nhất 2021

Các khoản thu nhập tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc từ 01/01/2021 được hướng dẫn theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc

Tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

(1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh:

- Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo Điều 93 Bộ luật Lao động.

- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

(2) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

(3) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như:

- Thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến;

- Tiền ăn giữa ca;

- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

2. NLĐ làm việc tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 7 giờ/ngày

Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Theo đó, Thông tư này quy định thời giờ làm việc của người lao động (NLĐ) trong hầm lò như sau:

- Ca làm việc của NLĐ trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày.

- Thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 01 tuần.

Trong đó:

+ Ca làm việc của NLĐ trong hầm lò là khoảng thời gian từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại nhà giao ca cho đến khi trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ sau khi kết thúc công việc, bao gồm: thời gian nhận nhiệm vụ, thời gian di chuyển từ nhà giao ca đến vị trí sản xuất và trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ và thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò.

+ Thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò là khoảng thời gian NLĐ trực tiếp làm nhiệm vụ được giao tại vị trí sản xuất trong hầm lò đến khi kết thúc công việc tại vị trí làm việc, bao gồm cả thời gian nghỉ trong giờ làm việc.

3. Thắt chặt quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, trong đó, bổ sung một số quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021 quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (như quảng cáo trên Facebook, Google,..) phải tuân thủ:

- Quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo;

- Quy định về an ninh mạng;

- Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Hiện hành, theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 181/2013, hoạt động trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngoài ra, Nghị định 70/2021 còn quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải:

- Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ;

- Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 Nghị định 70/2021.

Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/9/2021.

Bảo Ngọc

322 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;