Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 15/11 – 20/11/2021)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 15/11 – 20/11/2021)
Bảo Ngọc

Trong tuần vừa qua (từ ngày 15/11 – 20/11/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 15/11 – 20/11/2021)

1. Từ 2022, tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số...

Theo đó, tăng thời gian xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, cụ thể:

Từ ngày 01/01/2022, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm.

(Hiện hành quy định thời hiệu xử phạt là 01 năm).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.

Mức phạt đối với hành vi nêu trên là từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Mức phạt vừa nêu cũng được áp dụng đối với các hành vi sau đây:

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

- Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.

Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

(Nội dung mới so với hiện hành).

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

2. Các dấu hiệu để xác định trạng thái cai các chất dạng thuốc phiện

Đây là nội dung tại Thông tư 18/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.

Theo đó, các dấu hiệu để xác định trạng thái cai các chất dạng thuốc phiện như sau:

- Có bằng chứng về việc mới ngừng hoặc giảm sử dụng chất dạng thuốc phiện sau khi đã sử dụng chất này lặp đi lặp lại trong thời gian dài;

- Có ít nhất 03 trong số 12 triệu chứng cai dưới đây xuất hiện sau dấu hiệu (a) trên đây vài phút đến vài ngày:

+ Cảm giác thèm chất ma túy;

+ Ngạt mũi hoặc hắt hơi;

+ Chảy nước mắt;

+ Đau cơ hoặc chuột rút;

+ Co cứng bụng;

+ Buồn nôn hoặc nôn;

+ Tiêu chảy;

+ Giãn đồng tử;

+ Nổi da gà hoặc ớn lạnh;

+ Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp;

+ Ngáp;

+ Ngủ không yên.

- Các triệu chứng cai này không thể quy cho một bệnh nội khoa không liên quan đến việc sử dụng chất dạng thuốc phiện và không thể quy cho một rối loạn tâm thần hoặc một rối loạn hành vi khác.

Thông tư 18/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2022

3. Bổ sung mặt hàng hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CPNghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, bổ sung 02 mặt hàng hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% gồm:

- Quả và hạt có dầu để làm giống có mã hàng là 9805.00.00 vào Danh mục nhóm hàng từ 98.01 đến 98.48 và nhóm hàng 98.50, 98.51, 98.52 tại điểm 1 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020.

Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 1207.30.00, 1207.40.90, 1207.50.00, 1207.60.00, 1207.70.00, 1207.91.00, 1207.99.40, 1207.99.50, 1207.99.90.

- Engine ECU, loại sử dụng cho xe có động cơ có mã hàng 9849.46.00 vào Danh mục nhóm hàng 98.49 tại điểm 2 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020.

Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 8537.10.99.

Bên cạnh đó, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2020 tại:

- Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế;

- Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.

Nghị định 101/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 30/12/2021.

4. Điều chỉnh mức phụ cấp với người tham gia chống dịch COVID-19

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp đối với người tham gia phòng, chống dịch tại nơi có số lượng nhiễm COVID-19 cao như sau:

- Phụ cấp 450.000 đồng/người/ngày đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 , nghi nhiễm COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trừ trường hợp người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn;

(Trước đây, chưa có quy định mức phụ cấp cụ thể đối với người làm tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19)

- Phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày đối với:

+ Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2;

(Trước đây, mức phụ cấp này là 200.000 đồng/người/ngày).

+ Người vận chuyển người nhiễm COVID-19, bệnh phẩm; vận chuyển, bảo quản, xử lý các trường hợp tử vong nhiễm SARS-CoV-2.

(Trước đây, mức phụ cấp này là 200.000 đồng/người/ngày).

Lưu ý: Chế độ phụ cấp nêu trên được áp dụng đối với người tham gia phòng, chống dịch tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021.

Trường hợp đối tượng đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng với mức thấp hơn mức nêu trên thì được truy lĩnh phần chênh lệch.

Nghị quyết 145/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 19/11/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

Bảo Ngọc

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

331 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;